Tại webinar chủ đề “ChatGPT và tiềm năng ứng dụng cho doanh nghiệp”, các chuyên gia hàng đầu nhà F đã chỉ ra công nghệ đằng sau, ưu điểm, nhược điểm; điểm giống và khác nhau giữa ChatGPT và công cụ của các ‘ông lớn’ cũng như với chatbot FPT.AI.
Webinar chủ đề “ChatGPT và tiềm năng ứng dụng cho doanh nghiệp” do FPT Smart Cloud tổ chức ngày 16/2 đã thu hút hơn 200 người F tham dự. Diễn giả “giải mã” cơn sốt ChatGPT là tiến sĩ Trần Thế Trung – viện trưởng Viện nghiên cứu FPT, phó giám đốc Trung tâm sản phẩm AI – FPT Smart Cloud và PGS.TS Lê Hồng Phương – chuyên gia về xử lý ngôn ngữ tự nhiên và học máy thống kê. Theo ban tổ chức, thành công của chương trình là tiền đề để FPT Smart Cloud tiếp tục tổ chức thêm nhiều sự kiện tương tự trong năm 2023.
Giới thiệu tổng quan về ChatGPT, tiến sĩ Trần Thế Trung cho biết đây là một chatbot dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) và học tăng cường với phản hồi của con người (RLHF), hiện đang đứng thứ 6 trên 8 cấp độ chatbot xét theo 6 tiêu chí: hiểu ngôn ngữ con người (về tiêu chí này, ChatGPT có thể hiểu và trả lời đa lĩnh vực, trong khi một số loại chatbot khác chỉ giao tiếp trong một lĩnh vực), nhớ văn cảnh (nhớ đầu vào trước đó, cho phép người dùng theo dõi cuộc trò chuyện hay sửa chữa), tuân thủ phép lịch sự (như từ chối câu hỏi không phù hợp), độ chính xác và hiểu biết, độ tự nhiên và thuyết phục, lý luận logic và khả năng tự học.
Các chatbot trước thời ChatGPT chưa thể làm nên ảnh hưởng trong xã hội vì đầu ra khó kiểm soát, độ tự nhiên chưa cao, ra kết quả biến động… ChatGPT có khả năng kiểm soát tốt hơn, học tăng cường với phản hồi con người và đã nhận phản hồi tích cực của xã hội. Nhiều vấn đề còn tồn tại sẽ có thể được giải quyết tiếp ở mức độ phát triển tiếp theo.
Theo chuyên gia FPT Smart Cloud, ưu điểm của ChatGPT là độ tự nhiên, nhờ mô hình sinh ngôn ngữ học từ dữ liệu giao tiếp của người; ChatGPT cũng lưu được văn cảnh dài, tăng khả năng giao tiếp văn cảnh và học dữ liệu lớn từ nhiều lĩnh vực, tăng khả năng giao tiếp đa lĩnh vực. Với mô hình lớn, ChatGPT có đặc tính như General AI (Trí tuệ nhân tạo tổng hợp) và là cách mạng nhất định trong ngành nghiên cứu và phát triển sản phẩm chatbot.
Nhược điểm của ChatGPT là thông tin cung cấp có thể không chính xác, yếu trong thực thi lập luận logic, khó tích hợp nghiệp vụ, không triển khai on-premise (hỗ trợ lưu trữ dữ liệu tại chỗ, vì hạ tầng cực lớn nên chủ yếu dùng Cloud), và có thể không đáp ứng bảo mật thông tin và quyền riêng tư.
Theo đó, mục tiêu ban đầu của OpenAI khi cho ra mắt ChatGPT ban đầu là lấy thêm phản hồi để chatbot có thêm dữ liệu học, sau nhiều thất bại liên tiếp xảy ra và tất cả hành động sử dụng để kiểm soát chất lượng thông tin đều chưa đạt được kỳ vọng. Việc tạo nên cơn sốt và nhận phản hồi tích cực của người dùng là một điều bất ngờ với đội ngũ.
Về tích hợp nghiệp vụ, chuyên gia nhà F cho biết một ông lớn công nghệ đang rất cố gắng đưa thêm kỹ thuật khác nhau vào nền tảng phục vụ doanh nghiệp đang có sẵn và có thể phục vụ ChatGPT cho doanh nghiệp.
Tại webinar, các diễn giả cũng đã giới thiệu về công nghệ và sơ lược về kiến trúc máy học ChatGPT. Giải thích về 4 mô hình trong xử lý ngôn ngữ tự nhiên, TS Trần Thế Trung cho biết mỗi năm kích thước mô hình có thể tăng gấp 10 và theo quy luật, trong tương lai, số lượng kết nối giữa 2 nơ-ron (tham số) sẽ lớn gần bằng và có thể vượt qua đầu người.
Về học tăng cường với phản hồi của con người (RLHF), OpenAI triển khai theo hình thức “reward learning” (phần thưởng học tập), vì thế mục tiêu không phải là thông tin chính xác mà làm hài lòng người dùng (thông tin có vẻ thuyết phục, tự nhiên nhưng chưa chắc chính xác).
Phương pháp cơ bản làm ra ChatGPT là: đầu vào từ mô hình ngôn ngữ tự nhiên lớn GPT 3.5; cho học, giám sát tinh chỉnh lại cho những cặp câu hỏi và câu trả lời, chuỗi giao tiếp trên đoạn hội thoại; cho học tăng cường tiếp từ phản hồi nếu chưa đủ tốt.
Về ứng dụng ChatGPT trong doanh nghiệp, các diễn giả cho rằng ChatGPT phù hợp cho các tác vụ không đòi hỏi thông tin chính xác ngay lập tức, được xem lại bởi chuyên gia và không đòi hỏi bảo mật nghiêm ngặt, như: trò chuyện giải trí; học ngôn ngữ; tạo nội dung bán tự động dưới sự giám sát của chuyên gia (marketing, SEO), hỏi đáp về nội dung, tin tức, kiếm thức bách khoa toàn thư; lập trình và coding bán tự động; quy trình đọc hiểu trích xuất tài liệu và tóm tắt văn bản bán tự động; dịch thuật bán tự động; hỗ trợ soạn thảo văn phòng.
Sau phần trình bày, có nhiều câu hỏi đã được người FPT đặt ra và được giải đáp bởi các chuyên gia. Đáng chú ý, trả lời câu hỏi liên hệ giữa FPT.AI và ChatGPT, TS Trần Thế Trung cho biết FPT.AI hướng vào nghiệp vụ doanh nghiệp ngay từ đầu, nếu so sánh thì các chatbot FPT.AI sẽ hẹp hơn và không đa lĩnh vực như ChatGPT, văn phong cũng bó hẹp theo yêu cầu của khách hàng chứ không cho linh hoạt tự nhiên. “Mục đích sử dụng khác nhau dẫn đến đầu ra khác nhau” – anh nhấn mạnh. Chuyên gia FPT Smart Cloud cũng chia sẻ có thể sắp tới khi Microsoft quyết định tích hợp ChatGPT cho doanh nghiệp – sẽ tiến gần tới định hướng chatbot của FPT.AI, chatbot nhà F sẽ phải tiến hóa, học hỏi kỹ thuật tiên tiến để thực hiện một số tác vụ, và có thể sẽ tạo mô hình ngôn ngữ lớn cho tiếng Việt.
Trả lời câu hỏi về khả năng áp dụng ChatGPT vào FPT, các diễn giả bày tỏ chưa hình dung rõ ChatGPT có thể dùng như thế nào trong FPT, đang có sự bàn luận xung quanh việc dịch vụ này có thể được sử dụng để hỗ trợ tự động hoá đọc các văn bản, tuy nhiên GPT có mô hình lớn, cồng kềnh, chi phí cao và tốc độ chậm nên có thể dùng phiên bản nội bộ FPT sẽ tốt hơn.
Về nguy cơ nhân sự các ngành nghề bị thay thế, chuyên gia FCI nhận định ngành có thể bị thay thế hay giảm việc làm ngay lập tức là ngành viết nội dung nhưng không đòi hỏi sáng tạo sâu sắc như bài viết giáo khoa. Cạnh đó, ngành tư vấn tâm lý hay luật sư có thể bị ảnh hưởng do máy bán tự động làm.
Trả lời câu hỏi so sánh ChatGPT với Siri của Apple hay Google, các diễn giả cho biết Siri có nhiệm vụ phải thực thi đúng chính xác hoàn toàn yêu cầu người dùng, không được sai, còn ChatGPT được thiết kế theo phương án khác, mục tiêu làm hài lòng khách hàng hơn là để phục vụ nhiệm vụ cụ thể cần 100% chính xác. Trong khi đó, Google không đưa ra câu trả lời ngay mà đưa ra danh sách lựa chọn để người dùng tiếp tục tìm kiếm tiếp.
Một số chuyên gia, lãnh đạo khác cũng đã đưa ra nhận định xung quanh “cơn sốt” ChatGPT và về trí tuệ nhân tạo nói chung. Theo anh Ngô Hải Hùng – Giám đốc dữ liệu ban chuyển đổi số Synnex FPT, con người nếu quá phụ thuộc vào ChatGPT có thể đánh mất tính chủ động trong việc giải quyết vấn đề và khả năng sáng tạo nội dung.”Nếu ChatGPT trở lên phổ biến toàn cầu với hàng tỷ người dùng thường xuyên thì có thể là một sai lầm. Chúng ta hãy cùng chờ đợi bước đi tiếp theo của OpenAI, công ty trí tuệ nhân tạo sở hữu ChatGPT” – anh nói.
Anh Lê Viết Thanh – PGĐ Trung tâm dữ liệu FPT IS, trong một cuộc phỏng vấn với VTV4, cũng đề cập tới những rủi ro trong quá trình sử dụng AI như: nhận thông tin và lời khuyên sai, phát tán thông tin giả, bị lộ thông tin người dùng… qua đó, đề xuất chính quyền cần xây dựng nhiều chế tài nhằm giảm thiểu và ngăn chặn việc sử dụng AI sai mục đích.
Xuất hiện trong chương trình Thời sự của Truyền hình Quốc hội gần đây, Chủ tịch Hoàng Nam Tiến cũng đã có những chia sẻ về ChatGPT. Anh cho biết FPT có gần 3.000 bot đang hoạt động ở các doanh nghiệp, có tính hiệu quả cao, giống ChatGPT ở chỗ cũng trao đổi, trả lời nhưng luôn định hướng mục tiêu. “Những ai cho rằng máy không có cảm xúc hãy cẩn thận. Các thuật toán trí tuệ nhân tạo hiện nay có thể mô tả cảm xúc giỏi” – anh nói. Đặc biệt, trí tuệ nhân tạo có khả năng học cực nhanh và nguồn dữ liệu không giới hạn, các bạn trẻ có thể sẽ có sự lựa chọn vô cùng khó khăn. Nhưng cũng nhờ vậy con người nhờ vậy sẽ tồn tại phát triển hơn dù ChatGPT hay trí tuệ nhân tạo phát triển đến đâu.