Từ hạ tầng, sản phẩm lõi đến nguồn nhân lực bản địa, FPT AI Factory đặt những viên gạch đầu tiên cho tham vọng dài hơi về một Việt Nam có năng lực làm chủ trí tuệ nhân tạo (AI).
Tháng 4/2024, dòng chữ đơn giản hiện lên trong ánh đèn trắng của hội trường chính FPT ở Hà Nội: “AI Factory – Make-in-Vietnam”, đặt cạnh logo Nvidia. Thông điệp không ồn ào, nhưng mang trong nó sự tự hào, khát vọng lớn của những kỹ sư người Việt.
Trong bối cảnh dữ liệu đang trở thành nguồn “dầu mỏ mới” và thuật toán quyết định quyền lực cạnh tranh, việc một doanh nghiệp Việt đầu tư vào AI với nền tảng hạ tầng đặt tại Việt Nam, phát triển bởi kỹ sư Việt, hướng đến đáp ứng các nhu cầu của người dùng Việt không còn là chuyện nội bộ của đơn lẻ tập đoàn. Đó là những chỉ dấu cụ thể cho thấy Việt Nam đang dần khẳng định vị thế trên bản đồ AI toàn cầu, thay vì chỉ là điểm tiêu thụ công nghệ ngoại nhập.
Quyết định 1131/QĐ-TTg là cú hích chiến lược đưa AI thành một trong 11 công nghệ trọng điểm quốc gia. Với FPT, đây là sự tiếp sức cho giấc mơ làm chủ công nghệ lõi đã được ươm mầm từ nhiều năm trước. FPT AI Factory – nhà máy AI đầu tiên tại Việt Nam – chính là bước hiện thực hóa giấc mơ đó: Nơi quy tụ dữ liệu, thuật toán, tài năng và khát vọng, từng bước đưa trí tuệ Việt từ ý tưởng thành sản phẩm mang tầm quốc gia.
Bắt đầu với AI Factory, FPT không chọn lối đi an toàn, mà xem AI là “ván cược chiến lược” – đầu tư thẳng vào năng lực lõi, xây dựng hạ tầng tính toán, phát triển hệ sinh thái mở để không chỉ phục vụ chính mình mà còn trao quyền cho cả hệ thống doanh nghiệp. Từ startup 5 người đến tập đoàn hàng nghìn nhân sự, bất kỳ ai cũng có thể truy cập nền tảng và tạo ra giải pháp AI cho chính họ.
Với khoản đầu tư 200 triệu USD công bố vào tháng 4/2024, FPT không xây thêm một trung tâm dữ liệu truyền thống mà hình thành một nhà máy trí tuệ – nơi không sản xuất phần cứng, cũng không viết phần mềm bán lẻ, mà sản sinh ra những gì nền kinh tế số tương lai cần: Năng lực tính toán, mô hình ngôn ngữ và các tác nhân thông minh (AI Agents).
Chiến lược “Build Your Own AI” mà FPT theo đuổi không chỉ là một khẩu hiệu công nghệ hay một chiến lược phát triển sản phẩm, đó còn là cách để rút ngắn khoảng cách với các cường quốc số. Thay vì tái tạo mô hình thế giới, FPT thiết kế nền tảng giúp tổ chức nội địa chủ động phát triển mô hình AI phù hợp với ngôn ngữ, hành vi người dùng và hệ thống nghiệp vụ bản địa.
Đó không chỉ là bước tiến công nghệ, mà là lựa chọn chiến lược mang nhiều tầng nghĩa. Làm sao để AI không chỉ dành cho kỹ sư, mà cho cả những người “không sống bằng thuật toán nhưng sống cùng hệ thống” từ trưởng phòng logistics đến người vận hành chăm sóc khách hàng (CSKH).
Không đơn thuần chỉ là một dự án công nghệ, FPT AI Factory đại diện cho một khái niệm ngày càng được nhắc đến với nhiều tầng nghĩa: AI có chủ quyền khi năng lực tính toán không còn lệ thuộc, dữ liệu không bị xuất khẩu ngầm và cơ hội sáng tạo không còn bị giới hạn trong “hộp đen” nhập khẩu, đóng gói sẵn, ít khả năng tùy biến.
Năm 2023, một kỹ sư tên Pieter Leves đã tự tạo một startup AI từ một quán cà phê ở Bali. Mô hình này sau đó tạo ra doanh thu 1 triệu USD/năm chỉ với… một người điều hành. Một giai thoại khác từng làm nhiều người ngạc nhiên khi một lập trình viên đã dùng GPT-4 để tạo nguyên một game phiêu lưu tương tác chỉ trong vài giờ… khi ngồi đợi vợ sinh con trong bệnh viện.
Với sự ra mắt của ChatGPT, AI không còn tiến lên theo quán tính tuyến tính mà bứt phá theo lũy thừa. Trong vòng 5 năm, AI từ chỗ là một khái niệm chuyên ngành đã trở thành nền công cụ khi ChatGPT viết email, Midjourney tạo ra hình ảnh mà chính nghệ sĩ cũng phải trầm trồ, Copilot được dân lập trình sử dụng và nói vui là “lười có tổ chức”. Hàng loạt ứng dụng nhúng AI (AI-embedded) đã và đang len lỏi vào từng phần mềm doanh nghiệp, nền tảng cộng tác, công cụ sáng tạo… để hỗ trợ con người đưa ra quyết định nhanh hơn, chính xác hơn, và hoàn thành công việc hiệu quả hơn.
Sự hiện diện của AI không diễn ra bằng tiếng nổ lớn, mà bằng hàng triệu cú click nhỏ mỗi ngày. Đó là lúc người dùng chỉnh sửa văn bản, đặt lịch họp, phân tích báo cáo khách hàng… tất cả đều đang có AI “âm thầm chạy nền” phía sau.
Những gì từng cần một đội ngũ kỹ sư nay nằm gọn trong trình duyệt. Sự chuyển dịch ấy không còn là dấu hiệu của một xu thế công nghệ, mà là tín hiệu cho thấy AI đã trở thành một phần của hạ tầng số, len lỏi một cách tự nhiên vào mọi ngõ ngách đời sống.
Trong bối cảnh đó, các nền tảng no-code/low-code AI – cho phép người không lập trình vẫn có thể xây dựng giải pháp thông minh – đã và đang định hình lại bức tranh chuyển đổi số. Theo báo cáo của Mordor Intelligence, quy mô thị trường này dự kiến đạt 8,89 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) lên tới 17,03%.
Đồng thời, khái niệm AI Agents – các “tác nhân AI” có khả năng thực thi nhiệm vụ độc lập trong doanh nghiệp, đang bứt tốc không kém, với giá trị thị trường dự đoán đạt 52,62 tỷ USD vào cùng mốc 2030 (Theo MarketsandMarkets).
Sự phát triển của các nền tảng này khiến AI không còn là tài sản dành riêng cho giới nghiên cứu hay Big tech, mà trở thành công cụ có thể đưa vào vận hành ở bất kỳ quy mô nào. Với những cú nhấp chuột đơn giản, một người không chuyên có thể tạo chatbot tư vấn khách hàng, hệ thống phân loại dữ liệu hoặc trợ lý số riêng – điều vốn trước đây đòi hỏi đội ngũ hàng chục kỹ sư.
Nhưng chính sự bình dân hóa ấy lại đặt ra yêu cầu mới về hạ tầng. Các mô hình ngôn ngữ lớn như DeepSeek-R1 với 671 tỷ tham số nếu không được tối ưu kiến trúc sẽ tiêu tốn lượng tài nguyên khổng lồ để chạy hiệu quả. Nhờ kiến trúc Mixture of Experts (MoE) – vốn chỉ kích hoạt một phần mô hình tại mỗi lượt suy luận – DeepSeek-R1 đã giảm tới 94% chi phí tính toán, trong khi vẫn giữ được độ chính xác cao.
Tại đây, mô hình AI Factory trở nên cần thiết với một dây chuyền sản xuất năng lực AI – nơi mọi bước từ thu thập và tinh chỉnh dữ liệu đến huấn luyện, triển khai và vận hành mô hình đều được tối ưu như một quy trình công nghiệp hóa.
Điểm khác biệt lớn nhất không nằm ở phần cứng, mà ở triết lý tiếp cận, phát triển các mô hình AI bản địa hóa; không chỉ hiểu ngôn ngữ, mà còn thấu cảm hành vi, tập quán, và cấu trúc vận hành của từng thị trường cụ thể.
Ở Việt Nam, đó là những mô hình hiểu tiếng Việt, xử lý được ngữ cảnh, cú pháp đặc thù, hỗ trợ tốt cho các nghiệp vụ hành chính, CSKH hay tài chính nội địa. Nhưng cách tiếp cận ấy không dừng lại ở biên giới bản đồ chữ S. Ở Nhật Bản, nơi FPT đang hợp tác cùng Sumitomo và SBI Holdings để xây dựng nhà máy AI thứ hai, mục tiêu là hỗ trợ và đồng hành các đơn vị bản địa phát triển năng lực “AI có chủ quyền” phù hợp với cấu trúc xã hội và tiêu chuẩn khắt khe của thị trường sở tại.
Điều đó có nghĩa, mỗi khi đặt chân đến một quốc gia, một thị trường mới, FPT không áp dụng rập khuôn một mô hình cố định. Thay vào đó, tập đoàn luôn chủ động tiếp cận, nội địa hóa từ dữ liệu đến thiết kế sản phẩm. Nhờ lợi thế hiện diện tại hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, FPT tích luỹ được đa dạng sự thấu hiểu thị trường (insight) bản địa, giúp các giải pháp AI trở nên thực sự “vừa vặn” với người dùng bản địa, đúng như tinh thần của chiến lược “Build Your Own AI”.
Trên thế giới, xu hướng này không còn mới, đơn cử như chính phủ Nhật Bản đã đầu tư 740 triệu USD để xây dựng AI Factory trong nước, hợp tác với Nvidia nhằm bảo đảm tính độc lập hạ tầng (Nvidia Blog). Liên minh châu Âu lên kế hoạch tài trợ 20 nhà máy AI quy mô lớn từ năm 2025-2026 (Digital Strategy EU). SoftBank, gã khổng lồ viễn thông cũng chi hơn 960 triệu USD đầu tư vào hệ thống AI nội địa.
Trong dòng chuyển đó, Việt Nam cần cách tiếp cận phù hợp. Chúng ta không thể cạnh tranh về quy mô với Mỹ, Trung Quốc, nhưng có thể tạo ra khác biệt bằng cách xây dựng hạ tầng tinh gọn, linh hoạt và hiểu người dùng bản địa.
FPT đã chọn đặt viên gạch đầu tiên với hành động thực tế khi đầu tư vào năng lực lõi, phát triển nền tảng cho doanh nghiệp Việt và góp phần thúc đẩy tương lai trong đó AI không còn là lựa chọn, mà trở thành điều kiện nền tảng cho tăng trưởng kinh tế và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bên cạnh việc khẳng định năng lực nội tại, hợp tác cùng Nvidia cho thấy FPT đã sớm tham gia vào hành trình mà nhiều quốc gia còn cân nhắc.
Không xây dựng theo lối truyền thống, FPT AI Factory là nơi sản xuất ra chính năng lực trí tuệ nhân tạo, từ thu thập dữ liệu, huấn luyện mô hình, đến suy luận và vận hành.
Chỉ sau một năm, mô hình này đã được hiện thực hoá bằng hạ tầng GPU hiệu suất cao, nền tảng no-code/low-code và hệ sinh thái mở giúp doanh nghiệp tiếp cận AI như một dịch vụ: không cần đầu tư phần cứng, không cần đội ngũ kỹ thuật riêng, nhưng vẫn tạo ra công cụ thông minh sát với nhu cầu thực tế.
Đây không phải AI để trình diễn, mà là năng lực có thể triển khai trên quy mô lớn, đúng như tinh thần “make-in-Vietnam”, từ năng lực tính toán đến mô hình ngôn ngữ và giải pháp bản địa hóa.
Một chuyên viên nhân sự có thể tạo chatbot trả lời câu hỏi về chính sách công ty, một trưởng phòng logistics có thể huấn luyện mô hình phân tích rủi ro tồn kho, một nhân viên CSKH có thể dùng AI để phân loại và phản hồi email. Họ không cần biết cách viết hàm loss hay chọn optimizer – những thứ từng là “bức tường kỹ thuật” ngăn phần lớn người dùng tiếp cận AI, mà chỉ cần có vấn đề thực tế và dữ liệu thật.
Một trong những đặc trưng của nền tảng AI do FPT phát triển là khả năng thích ứng sâu với ngữ cảnh địa phương từ ngôn ngữ, hành vi người dùng đến cấu trúc nghiệp vụ. Các mô hình được huấn luyện trên dữ liệu chính quy tại từng thị trường mục tiêu, giúp hiểu chính xác sắc thái từ ngữ, quy trình vận hành và đặc thù ngành. Thay vì yêu cầu doanh nghiệp thay đổi hệ thống lõi, các dịch vụ AI được thiết kế để tương thích linh hoạt với hạ tầng sẵn có từ CRM, ERP đến các hệ thống nội bộ cho phép AI hoạt động như một phần mở rộng tự nhiên trong hệ sinh thái công nghệ hiện hữu.
Chiến lược này giúp bảo toàn dữ liệu, rút ngắn thời gian triển khai và giữ vững quyền kiểm soát công nghệ tại chỗ – những yếu tố cốt lõi để xây dựng năng lực AI có chủ quyền, nhưng không giới hạn ở một quốc gia. Với kiến trúc mở và tư duy bản địa hóa, mô hình này có thể nhanh chóng nhân rộng sang các thị trường quốc tế với nhu cầu tương tự.
Năng lực của FPT AI Factory còn được công nhận qua những chuẩn mực toàn cầu. Trên bảng xếp hạng TOP500 các siêu máy tính mạnh nhất thế giới (chuẩn LINPACK), hệ thống của FPT hiện xếp 38 tại Việt Nam và 36 tại Nhật Bản – tiền đề vững chắc để chinh phục các thị trường có yêu cầu cao về hiệu năng xử lý.
Tầm vóc của một nhà máy AI cũng được thể hiện qua việc thu hút các đối tác toàn cầu đồng hành. Một trong những ví dụ tiêu biểu là LandingAI – công ty do Andrew Ng sáng lập, nổi tiếng với nền tảng Visual AI cho các doanh nghiệp.
Trong quá trình mở rộng thị trường, LandingAI chọn sử dụng hạ tầng Metal Cloud từ FPT AI Factory để triển khai tác vụ suy luận hình ảnh. Nhờ đó, họ giảm đáng kể chi phí, rút ngắn thời gian triển khai mô hình từ vài tuần xuống còn vài ngày – yếu tố quan trọng với doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng nhanh.
Một năm không phải là khoảng thời gian dài trong ngành công nghệ, nhưng với AI thì mọi thứ thay đổi theo cấp số mũ, chừng đó thời gian đủ để xác lập hướng đi. Trong khi thế giới vẫn còn loay hoay, FPT chọn đặt cược sớm vào hạ tầng AI vận hành thực, để không chỉ bắt nhịp xu hướng mà còn tạo ra giá trị thật nhanh chóng, rõ ràng và chiến lược: Xây dựng AI theo cách phù hợp với thị trường bản địa và mở ra khả năng tự chủ trong một lĩnh vực được xem là “trò chơi quyền lực” của thế kỷ XXI.
Tuyên bố sẽ xây dựng 5 nhà máy trí tuệ nhân tạo trên toàn cầu đến năm 2030 của FPT không mang tính khuếch trương, mà là cam kết đi đến cùng trong cuộc đua công nghệ: đầu tư vào hạ tầng AI mạnh mẽ và đồng thời xây dựng lực lượng nhân sự AI sẵn sàng như một năng lực thiết yếu.
Ở phần “cứng” FPT đang sở hữu hệ thống tính toán AI mạnh hàng đầu khu vực, hợp tác cùng các đối tác toàn cầu như Nvidia, và liên tục mở rộng năng lực tại Việt Nam, Nhật Bản. Nhưng theo ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT FPT – “thế giới đang thiếu nhân lực trầm trọng, nhưng đó lại là lợi thế của FPT”. Vì thế, phần “mềm” trong chiến lược này là đào tạo và phổ cập năng lực sử dụng và tích hợp AI rộng khắp từ sinh viên, kỹ sư, đến các chuyên gia vận hành trong doanh nghiệp.
FPT xem đây là hành trình kết hợp giữa năng lực tính toán của máy và khả năng tư duy, thích nghi mạnh mẽ của con người để từ đó tạo ra các giải pháp mang tính đột phá.
“Khi AI trở nên phổ cập, càng bình dân bao nhiêu thì nhu cầu về nhà máy AI sẽ càng lớn bấy nhiêu. Trong tương lai gần, chúng tôi không giới hạn ở hai nhà máy, vì rất nhiều tập đoàn trên thế giới đã đề xuất làm cùng FPT”, ông Bình chia sẻ thêm.
Bắt đầu từ hạ tầng đến dữ liệu, trong khi thế giới đã bước vào cuộc đua mô hình hàng nghìn tỷ tham số, thì chỉ riêng việc huấn luyện một mô hình 32 tỷ tham số cũng cần khoảng 400 tỷ token – để so sánh thì khả năng xử lý ngôn ngữ của con người trong cả đời người chỉ tiếp cận được khoảng 50-100 triệu token. Trong bối cảnh dữ liệu số tại Việt Nam còn phân tán và thiếu cơ chế chia sẻ, đây là một thách thức không nhỏ cho hành trình xây dựng năng lực AI bản địa.
Giải pháp nằm ở chính những dữ liệu đặc thù mà Việt Nam đang nắm giữ: y tế, giáo dục đến bảo hiểm. Khi số hóa được các lĩnh vực này, chúng ta có thể không chỉ tạo ra mô hình phản ánh thực tế địa phương, mà còn chủ động chăm sóc sức khỏe cộng đồng hay tối ưu các dịch vụ công.
Tự chủ dữ liệu vì vậy không phải khẩu hiệu, mà là yêu cầu chiến lược quốc gia, cần hạ tầng số đủ mạnh, cơ chế chia sẻ dữ liệu minh bạch và cam kết xây dựng các nền tảng AI vì lợi ích người Việt.
Dưới góc nhìn của ông Lê Hồng Việt – CEO FPT Smart Cloud, Tập đoàn FPT việc đầu tư ngay trên đất Việt không đơn thuần là xây dựng hạ tầng điện toán hiệu năng cao, mà là để giải quyết điểm nghẽn cốt lõi cho toàn thị trường, đưa AI ra khỏi không gian thử nghiệm, trở thành công cụ thiết thực cho doanh nghiệp.
“AI Factory ra đời để làm cho AI trở nên dễ tiếp cận bởi mọi người, từ doanh nghiệp lớn đến startup nhỏ, các cơ sở nghiên cứu tại Việt Nam”, ông Việt nói.
Theo ông Việt, với FPT, AI không chỉ là công cụ nâng năng suất nội bộ hay tạo giá trị cho khách hàng, mà còn là một sân chơi chiến lược để định vị năng lực trên bản đồ công nghệ toàn cầu. Tư duy AI-first đã nằm trong DNA của FPT từ rất sớm và đang trở thành kim chỉ nam cho các bước phát triển tiếp theo. Hạ tầng chỉ là điểm khởi đầu, vấn đề nằm ở khả năng chuyển giao công nghệ. Chính vì vậy, FPT chọn con đường đầu tư song song vừa đưa về Việt Nam các dòng chip tiên tiến nhất từ Nvidia, vừa phát triển công cụ giúp doanh nghiệp tinh chỉnh (fine-tune) mô hình riêng với chi phí thấp, vừa đào tạo đội ngũ vận hành và nghiên cứu chuyên sâu.
Theo ông Việt, trước đây, việc fine-tune một mô hình có thể tiêu tốn hàng chục nghìn USD, thì nay với dịch vụ của FPT, doanh nghiệp có thể rút chi phí đó xuống còn vài trăm USD, thậm chí có thể sử dụng theo hình thức “pay as you go” – dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu. Điều này mở ra khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến nhất cho cả doanh nghiệp nhỏ, trường đại học, tổ chức nghiên cứu… – những đối tượng vốn dễ bị bỏ lại phía sau trong cuộc chơi AI toàn cầu.
Cùng lúc đó, FPT cũng không giấu tham vọng mở rộng mô hình AI Factory ra thị trường quốc tế, bắt đầu từ Nhật Bản – một trong những nền kinh tế có tốc độ số hóa doanh nghiệp cao, nhưng chưa có hạ tầng AI chuyên biệt tương xứng. Nối tiếp Nhật Bản, các thị trường mà FPT có thể tăng tốc sau đó là Malaysia, Hàn Quốc, châu Âu…
“Chúng tôi tiếp cận thị trường Nhật Bản để đón đầu làn sóng ứng dụng AI tại đó. FPT sẽ xây dựng doanh nghiệp như một công ty Nhật thực thụ để thúc đẩy phát triển sovereign AI (AI có chủ quyền) tại Nhật Bản”, ông Việt chia sẻ.
Với sự tham gia của các đối tác như Sumitomo và SBI Holdings, AI Factory tại Nhật không chỉ là bản sao của mô hình Việt Nam, mà là một thực thể được bản địa hóa – từ cơ cấu tổ chức đến hệ sinh thái tích hợp.
Ở tầng chiến lược, ông Việt thẳng thắn nhìn nhận: “Chiến lược thúc đẩy AI có chủ quyền sẽ giúp Việt Nam tăng năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua tăng năng suất lao động và tự động hóa”.
Tại một quốc gia như Việt Nam, nơi dữ liệu ngày càng trở thành tài sản cốt lõi, việc phụ thuộc vào các nền tảng nước ngoài đồng nghĩa với mất đi khả năng kiểm soát và định đoạt giá trị số của chính mình. Do đó, AI có chủ quyền không phải là khái niệm lý tưởng, mà là năng lực phòng vệ kỹ thuật số, là cách để đảm bảo mỗi dòng dữ liệu được xử lý, lưu trữ và vận hành trên nền tảng do người Việt phát triển, vì lợi ích của người Việt.
Tuy nhiên, nếu không có lực lượng nhân sự sẵn sàng, mọi công nghệ đều chỉ dừng ở hạ tầng và tập đoàn FPT ý thức rõ điều đó.
“Đào tạo nhân sự ở các cấp khác nhau là điều quan trọng nhất trong quá trình chuyển đổi thông minh”, ông Lê Hồng Việt nhấn mạnh.
FPT AI Factory là bài toán lớn, đồng thời cũng là sân chơi để FPT thu hút nhân tài, phát triển lực lượng lao động AI có tính sẵn sàng cao và nuôi dưỡng tư duy AI-first cho toàn hệ thống. Từ lãnh đạo doanh nghiệp (cấp độ 1), đến người lao động sử dụng AI như công cụ (cấp độ 2) và xa hơn là đào tạo kỹ sư AI (cấp độ 3), FPT đặt mục tiêu đào tạo 500.000 nhân lực AI trong 5 năm tới.
Từ góc độ hạ tầng đến nhân lực, từ bài toán nội địa đến thế trận toàn cầu, FPT không đứng ngoài cuộc chơi AI. Họ chọn cách đầu tư, triển khai và để thực tế trả lời thay cho cam kết của mình.
“Cái khác của FPT là chúng tôi không dùng AI để trình diễn, mà để triển khai được. Và chúng tôi dùng chính nền tảng này trong hoạt động vận hành của FPT”, ông Việt nhấn mạnh.
Ở thời điểm mà mọi mô hình AI đều có thể được sao chép về mặt kỹ thuật, chính khả năng làm cho mô hình ấy hoạt động thực sự theo đúng bối cảnh người dùng mới là điểm khác biệt bền vững nhất và đó là điều mà FPT đang cố gắng từng bước định hình.
Sau 1 năm ra mắt mô hình FPT AI Factory, FPT đang đặt nền móng cho một tương lai mà AI không chỉ là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, mà trở thành tiền đề cho năng lực cạnh tranh quốc gia. Hành trình ấy có thể không ngắn, nhưng với bước đi cụ thể, FPT đang khẳng định một điều quan trọng: Việt Nam có thể tự chủ về công nghệ và đón sóng ở những ngã rẽ chiến lược.