Đặt mục tiêu 30 chứng chỉ công nghệ trước 30 tuổi, Đặng Đức Huy – Kỹ sư Nghiên cứu Phát triển Giải pháp nhà FPT Smart Cloud đã vượt kỳ vọng với 31 chứng chỉ, dù chặng đường không dễ dàng.
Tốt nghiệp K58 Đại học Bách Khoa Hà Nội chuyên ngành Công nghệ thông tin, Đặng Đức Huy bắt đầu thi chứng chỉ về Public Cloud (tạm dịch: đám mây chung) đầu tiên vào cuối năm 2017. Đến 2021, sau khi sưu tập 6 chứng chỉ của khá nhiều nhà cung cấp Cloud nổi tiếng trên thế giới như Google Cloud, Azure, AWS, Oracle Cloud, Huy tự hỏi bản thân tiếp theo sẽ làm gì, học gì, đâu là con đường tiếp theo.
Một lần đọc được bài viết của một kỹ sư Cloud người Nhật về thử thách đạt 30 chứng chỉ trước 30 tuổi, 40 chứng chỉ trước 40 tuổi, Huy liền thấy hứng thú. Học và làm trong ngành công nghệ, cậu hiểu rõ tốc độ thay đổi của ngành này rất nhanh. Để bắt kịp công nghệ, cần không ngừng học và cập nhật song hành với việc đi làm hàng ngày. Thế là chàng trai sinh năm 1995 hạ quyết tâm đặt mục tiêu tương tự cho bản thân, dù biết rõ càng lớn tuổi, việc tiếp thu các kiến thức mới càng gặp không ít những trở ngại.
Nhưng lúc này, cậu chỉ còn 2 năm, và cần phải thi thêm 24 chứng chỉ nữa. Huy nhẩm tính trung bình mỗi tháng sẽ phải đi thi một chứng chỉ. “Tính sơ sơ chi phí thi, mua khóa học, thời gian thấy cũng hơi bất khả thi. Nhưng thích là nhích, cứ phải thử mới biết được” – cậu nghĩ. Việc thi cử được lãnh đạo quan tâm ủng hộ, thậm chí còn được xem là “OKR cá nhân”, vì điều này có lợi cho việc giữ thứ hạng đối tác của công ty với các hãng lớn.
Thế là, mỗi tối sau khi đi làm về lúc 18h, Đặng Đức Huy học đều đặn các khóa học online trên các trang Coursera, Udemy… từ 9h đến 1-2h sáng. Việc nhà, chàng trai trẻ được bố mẹ hỗ trợ. Huy không dám nghỉ quá lâu vì “chỉ cần nghỉ một tuần đi chơi là có thể kéo theo cả tháng trời sau đó”. Cậu cũng sắp xếp ăn cơm trưa tại nhà ăn của công ty để tiết kiệm thời gian đi lại, sau ngủ trưa để có đủ tỉnh táo thức học tới tối khuya học.
Huy tâm sự, FPT Smart Cloud không chỉ là một môi trường cho Huy cơ hội giải quyết nhiều bài toán mà việc là thành viên nhà F còn tạo cho cậu nhiều thuận lợi trong con đường chinh phục kiến thức với các tài khoản học miễn phí. Chưa hết, vì FPT là đối tác của Google Cloud và Azure, chi phí và voucher thi cũng được hỗ trợ rất nhiều. Đó cũng là một trong những động lực quan trọng để cậu đẩy nhanh tiến độ thi cử.
Kể lại chặng đường thi cử của mình, Huy cho hay, 2 năm đầu chưa có nhiều kinh nghiệm, cậu đã trượt nhiều lần và khá nản. Có chứng chỉ cậu thi 3 lần mới đỗ. Mỗi chứng chỉ thường chỉ có hạn 1-2 năm, vì thế cậu lại phải tiếp tục thi để có thể gia hạn. Thời gian học thi lâu nhất cho một chứng chỉ là 1,5 đến 2 năm, nhanh thì chỉ vài tháng. Khi đã quen và có nền kiến thức tốt, hành trình chinh phục các chứng chỉ sau có phần thuận lợi hơn.
Để hệ thống lại kiến thức học được, chàng kỹ sư thường viết lại hoặc quay video và lưu trên Youtube hoặc trên TikTok dưới dạng video ngắn. Cậu cũng năng đi các sự kiện về Cloud để cập nhật kiến thức cũng như tìm kiếm những người có cùng chung chí hướng.
Hành trình khó khăn nhất với Huy là trở thành Google Developer Expert vì cậu phải phỏng vấn 2 vòng với Google và mất 4 năm làm trong cộng đồng mới được công nhận. Huy cũng tự tin trong tương lai sẽ dễ đạt được các chứng chỉ khác hơn vì cậu đã có mạng lưới quan hệ rộng rãi với các kỹ sư trong ngành, có thể tham khảo khi gặp vấn đề khó, thay vì “tự bơi” như ban đầu
Cũng có trường hợp kiến thức học và thi không được ứng dụng trong thực tế, như không triển khai được ở Việt Nam do địa lý, điều kiện khác biệt… nhưng theo Huy không coi đó là lãng phí vì nhờ đó, cậu không gặp khó khăn khi trao đổi với những chuyên gia nước ngoài.
Khi được hỏi còn thời gian đâu cho các sở thích khác, Huy chia sẻ sở thích của cậu cũng chính là…học – cậu tận hưởng cảm giác học không phải vì bị ép buộc. Cuối tuần chàng kỹ sư trẻ vẫn có thể chạy bộ hay nhậu với anh em đồng nghiệp, những người chung định hướng. “Câu chuyện quanh đi quẩn lại vẫn là kỹ thuật” – Huy cười.
Theo anh Nguyễn Khoa – lãnh đạo của Huy tại FPT Smart Cloud, việc thi chứng chỉ đối với cán bộ công nghệ, đặc biệt là cán bộ tư vấn và triển khai, là rất cần thiết. Năng lực công nghệ của công ty cũng được đánh giá một phần qua các chứng chỉ công nghệ cán bộ thi đạt được.
“Huy là cán bộ công nghệ trẻ có năng lực nền tốt, lại được gia nhập vào công ty công nghệ trẻ và năng động nhất nhì tập đoàn, nên như cá gặp nước. Đồng nghiệp toàn giỏi giang, ai ai cũng có kỹ năng công nghệ mạnh xung quanh. Môi trường tốt như vậy cũng tạo điều kiện cho bạn rèn luyện và học tập tốt.
Với các bạn trẻ như Huy, thi được càng nhiều chứng chỉ chuyên nghiệp càng tốt vì nó như một khả năng bảo chứng cho sự đầu tư học tập nghiêm túc có kỹ luật. Nhưng đạt 30 chứng chỉ Pro tính ra cũng là rất nhiều và khó có nhiều người kiên trì được như thế” – anh Khoa nói.
Tuy nhiên, anh nhấn mạnh đánh giá rất cao năng lực của Huy không chỉ qua việc thi cử này (chứng chỉ nào cũng có thời hạn), mà qua năng lực làm việc với khách hàng, kỹ năng làm việc nhóm và thái độ đúng mực với đồng nghiệp.
Không chỉ là kỹ sư chuyên nghiên cứu và phát triển giải pháp, Huy còn là cây bút tài năng, là gương mặt quen thuộc tại diễn đàn của các cộng đồng lập trình viên trẻ, sở hữu blog cá nhân chia sẻ kinh nghiệm trên hành trình chinh phục công nghệ. Cậu là một trong những thành viên “cốt cán” trong mạng lưới Google Developer Group (GDG) Cloud Hà Nội – tổ chức cộng đồng cùng làm cập nhật thông tin về Cloud. Nơi đây cho cậu mạng lưới quan hệ cùng lĩnh vực để có thể học hỏi, và cũng có thể tìm kiếm tài năng chung chí hướng cho FPT Smart Cloud – Huy tiết lộ. Trong tương lai, mong muốn của Huy là sẽ có cơ hội sang nước ngoài giao lưu.
Hà An