Chúng tôi vẫn gọi “Họ” – những người làm hoạt động cộng đồng – bằng nhiều danh xưng khác nhau, bởi lẽ họ ở những cương vị khác nhau, có những cách làm thiện nguyện khác nhau…
Bạn có thể thấy một bản tin trên báo chí hay mạng xã hội về một hoàn cảnh, bạn sẵn sàng thầm lặng gửi đi một chút tiền trong khả năng của mình. Bạn có thể dừng xe, mở ví, vì nhìn thấy một người ăn xin đáng thương ngoài đường. Bạn có thể sẵn sàng chia sẻ với những người xung quanh, khi họ chẳng may gặp những biến cố trong cuộc sống. Đó đều là những việc tử tế, rất nhiều người làm được. Nhưng sẽ rất ít người có thể mang lòng tốt của mình đi xa hơn, gia nhập vào những hành trình gieo mầm hạnh phúc, giúp đỡ nhiều “người xa lạ ngoài kia”.
Có những chuyến đi mà hành trình của nó gập ghềnh như số phận của những người ở đó. Những nơi ban đêm chẳng có nổi tia sáng chiếu đến, một khi bão lũ đến là cô lập cả ngôi trường, nơi cái nghèo cái đói hằn sâu trên gương mặt lam lũ của người dân và sự khờ dại những đứa trẻ mà tương lai đang bị mắc kẹt trong nỗi sợ chẳng biết ngày mai có được no cái bụng hay không. Nhưng nơi mà một cuốn sách hay một quyển vở cũng là một món quà quý giá, và những thứ quá đỗi bình thường ở thời đại công nghệ này như máy tính, cũng là điều diệu kỳ.
Ở đây, chúng tôi gọi “Họ” – những người FPT đang theo những hành trình ấy, là những người “đi theo bóng mặt trời”…
Nếu nhận được những email thế này mỗi khi phát động chiến dịch góp ngày lương, bạn sẽ cảm thấy thế nào? Nếu như con số là cả nghìn email, với những nội dung có thể sẽ khiến nhiều người “tâm lý yếu” dễ thấy muốn bỏ cuộc? Ấy vậy mà có một người đã phải đối diện với tất cả những phàn nàn và trách móc ấy, hàng nghìn lượt, mỗi năm, thì có lẽ đó là một “trái tim thép” mà ít ai có được.
Những ngày cuối tháng 3 nồm ẩm, sau nhiều lần hẹn, chúng tôi mới gặp được chị Nguyễn Thị Hải Vân – Phó Chủ tịch Công đoàn FPT Software. Chị lật đật chạy sang FPT Tower nhận bằng khen từ Công đoàn FPT rồi tranh thủ ngồi lại với chúng tôi. Gác chân lên ghế để thả lỏng sau một ngày quá bận rộn, người phụ nữ có thân hình tròn trịa, giọng nói sang sảng, chốc trả lời điện thoại sắp xếp công việc, chốc lại hào hứng “khoe”: “Từ mối quan hệ cá nhân, chị mời được các bác sĩ đến khám ung thư miễn phí cho người FPT Software tại 4 địa điểm. Cứ thấy có lợi cho anh em là chị làm thôi. Lúc là khám loãng xương, lúc hướng dẫn nuôi con bằng sữa mẹ, kỷ luật không nước mắt. Nhiều lắm! Tất cả đều free (miễn phí) hết!”.
Không hề xa lạ với người FPT nói chung hay người FPT Software nói riêng, “má Vân” là một người hoạt động thiện nguyện nổi bật. Có lẽ xuất phát từ vị trí công việc của chị nên nhiều người cho rằng, đó là việc “tất lẽ dĩ ngẫu” chị phải làm. Nhưng đứng ở những góc độ khác, từ những việc chị đã làm, cách chị đứng trên những khủng hoảng để thuyết phục nhân sự góp sức cho từ thiện… mới thấy chị đã có những nỗ lực phi thường đến thế nào.
Nhìn năng lượng tích cực, dồi dào được tỏa ra từ chị Vân, chắc không ai nghĩ được rằng sắp tới chị sẽ phải đối diện với một cơn bão lớn: chiến dịch góp ngày lương cho Quỹ Người FPT vì cộng đồng.
Cứ mỗi kỳ lương tháng 4 hàng năm, FPT Software gửi đi một công cụ để CBNV lựa chọn đóng góp một ngày lương, trong đó có một lựa chọn: Đóng ít hơn 300.000 đồng hoặc không đóng, vui lòng gửi email xác nhận tới tài khoản [email protected]. Hàng nghìn email lại “dội” về, có những nội dung còn kinh khủng hơn lời kể phía trên, chị Vân không tiện nhắc đến.
Là một trong những người đầu tiên nhận nhiệm vụ triển khai quyên góp một ngày lương cho Quỹ Người FPT Vì cộng đồng, chị đứng hotline (đường dây nóng) bằng tài khoản cá nhân 10 năm nay, chịu đựng sự chửi mắng của nhân viên để giải quyết từng chiếc email và “trơ trẽn đến giờ phút này” như lời nói đùa đầy tếu táo. Với chị, nhân viên cần có một nơi nào đó để xả, và khi họ chưa hiểu thì nhiệm vụ của chị là giải thích, thuyết phục, vì ý nghĩa của việc góp một ngày lương là vô cùng lớn.
Ngay cả sau khi được giải thích, nhân sự vẫn không đồng ý đóng góp, chị vẫn chia sẻ để hy vọng những thay đổi tích cực: “Tôi xác nhận bạn không đóng góp. Nhưng chúng ta là người FPT, ngoài kia còn bao nhiêu mảnh đời bất hạnh, chúng ta còn việc làm, lương đầy đủ. Vậy hơn ai hết, tôi mong các bạn sẽ cùng làm việc tốt”.
Có những trường hợp ban đầu không đồng ý, nhưng khi chị giải thích, lại đồng ý tăng số tiền đóng góp. Cũng có những người cho rằng chị đang “giáo huấn”, đang “cao giọng”. Khi được hỏi có khi nào cảm thấy muốn từ bỏ không, chị Vân trải lòng: “Con người ai chẳng có cảm xúc. Nhận những mail lộng ngôn, ức chứ! Những mail xúc phạm, tức chứ! Nhiều khi tôi phải ngồi khóc cho đã đi, rồi lấy lại bình tĩnh trả lời”.
Nhưng chị Vân vẫn không ngừng lại, vì với chị đây là công việc và cũng là điều chị muốn làm. Chị nghĩ đơn giản rằng, việc thuyết phục người khác làm việc tốt cũng là làm việc tốt. Có lẽ điều này chính là động lực để chị có thể vượt qua tất cả những sức ép, khủng hoảng, để xông xáo hoạt động cộng đồng trong cả thập kỷ nay.
Có nhiều trường hợp không đóng góp nhưng không may mắc bạo bệnh và cần giúp đỡ, quỹ Người FPT Vì cộng đồng vẫn sẵn sàng hỗ trợ. Chị còn kêu gọi toàn FPT Software chung tay. Thậm chí, có cả trường hợp nhờ sự giúp đỡ của quỹ, đã vượt qua những điều kiện bệnh tật hiểm nghèo, trở thành những người quản lý, vượt qua số phận.
Toàn bộ những ngày lương quyên góp từ đồng đội đều trở nên xứng đáng, chị Vân trực tiếp đến tận nơi những câu chuyện thật, những hoàn cảnh thật. Người phụ nữ nhiều năng lượng tích cực ấy chưa từng cho rằng những việc mình làm là to tát, chị chỉ nghĩ đơn giản rằng, khi mình làm được những việc tốt, dù nhỏ hay lớn, dù ít hay nhiều, đều có thể mang đến những hy vọng mới cho những người thật sự cần. Đó là cái sướng của chị.
Tất cả email 10 năm qua chị đều giữ lại làm kỷ niệm, để biết rằng qua những thử thách đó, bản lĩnh của bản thân lại được tôi luyện thêm. “Người FPT có 365 ngày hạnh phúc. 364 ngày đã dành cho người thân, cho bố mẹ chồng con rồi thì một ngày còn lại cho cộng đồng. Bất cứ một doanh nghiệp nào muốn phát triển cũng nên dành một ngày tri ân đến cộng đồng, không tri ân thì cũng là giúp đỡ những người không quen biết để phải đạo làm người”. Chị Vân chia sẻ đây là câu nói của chị Trương Thị Thanh Thanh – Giám đốc Trách nhiệm Xã hội FPT – mà bản thân rất tâm đắc, cũng là động lực để chị cố gắng hơn, cố gắng thay đổi định kiến của mọi người về thiện nguyện, làm những điều có ý nghĩa hơn mỗi ngày.
Năm nay, để “má Vân” không bị “chửi” nữa, có người đề xuất sẽ có một email chung để ghi nhận ý kiến, nhưng chị Vân từ chối: “Hãy để chị cứ nhận, để họ có nơi để khóc, biết xưng hô chứ để hòm mail chung, họ lại nghĩ mình là nhóm, có khi họ ‘chửi’ lại không cảm thấy sướng”.
Ngày 16/9/2023, trường Hy Vọng động thổ. Giữa hàng trăm người tham dự, thấp thoáng một em bé nhỏ thó, loay hoay leo lên chiếc ghế ở hàng sau cùng. Chốc chốc, em lại rướn cổ, ngó lên trên tò mò. Em là Mấu Quốc Sa, người dân tộc Raglai, tỉnh Khánh Hòa. Đó là lần đầu tiên em xuống núi, trong mắt em, máy xúc, máy ủi, pháo sáng… lạ lẫm biết mấy!
Như mọi khi, chị Trịnh Thu Hồng – Giám đốc Học viện FPT – không ngồi trên hàng ghế lãnh đạo, chị hay đứng sau, quan sát mọi thứ. Thấy em, chị lại gần: “Để cô bế con lên đọc chữ, ngắm pháo hoa nhé!”. Vừa nhấc em lên, tay chị ướt rượt. “Con tè dầm hả?”, “Dạ con đợi lâu quá...”, em bé rụt rè. Chị Hồng vẫn rơm rớm nước mắt khi kể lại câu chuyện mà chị bất giác nhớ đến khi được hỏi về kỷ niệm sâu sắc nhất trên hành trình “gieo mầm hạnh phúc” của mình.
Và đó chỉ là một trong hàng trăm câu chuyện rất chua xót nhưng cũng rất đời mà chị gom nhặt trên chặng đường nhiều năm làm thiện nguyện. Không thuộc một ban CSR nào, nhưng mọi hoạt động cộng đồng đều rất hiếm khi vắng mặt chị Hồng. Lướt Facebook cá nhân của chị, không cuối tuần nào người ta thấy chị ở nhà. Lúc chị xây cầu ở An Giang, khi chị lại trao trường mới trên A Pa Chải (Điện Biên)… Ở độ tuổi không còn quá trẻ để xông pha những chặng đường dài, nhưng dường như càng làm thiện nguyện, trời càng phú cho chị Hồng sức khỏe để năng lượng của tuổi trẻ không vì thời gian mà nhạt bớt trong chị. Sức đi của chị mỗi khi góp mặt vào các hoạt động thiện nguyện, chắc chắn hơn rất nhiều người.
Không chỉ đi thật, làm thật, chị Hồng còn lan tỏa những việc tốt ấy, để nhiều người cùng làm.
Lửa phải có diêm quẹt lên mới cháy. Đi đâu, chị cũng kể chuyện cho mọi người biết, từ đó họ sẽ chung tay, góp sức. Chị lôi kéo mọi người vào cùng làm các sự kiện của Học viện. Chị vẫn nói với học viên: “30% là đi học, 70% là kết nối giữa các bạn đồng niên. Cùng làm ở FPT nhưng tại các CTTV khác nhau, nên các bạn không biết nhau. Khi được kết nối, việc các bạn làm chung nhiều nhất chính là công tác CSR”. Mua Sử ký FPT để xây trường học hạnh phúc ở vĩ tuyến 13 là dự án được nhiều học viên của chị chung tay nhất với 2/3 chi phí xây trường từ phía FPT là từ nguồn học viên đóng góp.
Chị không hề làm vận động theo kiểu hô hào hay bắt ép. Chứng kiến chị đi và làm, nhiều học viên cảm thấy thích, có động lực và sẵn sàng bắt tay vào làm.
Làm thiện nguyện thì dễ, có bao nhiêu thì cho đi bấy nhiêu, nhưng lan tỏa để nhiều người chung tay lại là một việc rất khó. Ví dụ câu chuyện quyên góp một ngày lương phải tạo được niềm tin cho toàn thể nhân sự, rằng sự sẻ chia của người FPT cho người FPT và xã hội là có thật, hữu ích và dài lâu. “CBNV có thể đóng 50.000 đồng, 100.000 đồng nhưng họ thấy tiền của mình đóng góp cho những thứ bền vững và lâu dài, đặc biệt là những dự án cho trẻ em – đối tượng yếu thế nhất trong xã hội và cần bảo vệ,” chị Hồng chia sẻ.
Cách lan tỏa của chị là bằng chính những chuyến đi của mình. Rất khó để kể được câu chuyện thật, truyền lửa cho người xung quanh nếu không đi thật. Bằng hành động thiết thực, họ sẽ chung tay làm.
Lúc nào chị cũng nói với mọi người là đi rất vất vả. Người không có, phương tiện cũng hiếm, phải tự bê vác đồ đạc. Thời gian rất gấp gáp vì đi trong ngày nghỉ. Có những lần lên A Pa Chải, đoàn chị chỉ đi trong 2,5 ngày, một ngày đi hơn 1.000km. “Hỏi có mệt không? Cực mệt! Nhiều người đóng góp nhưng không đủ sức khỏe, dũng khí để vượt qua thử thách. Phải đến tận nơi mới thấy việc mình làm nó có ý nghĩa thế nào. Chính năng lượng ấy, niềm phấn khích lại làm cho mình khỏe hơn”, chị bộc bạch. Dường như năng lượng chưa khi nào vơi cạn trong người phụ nữ này.
Cuộc nói chuyện có thể kéo dài vô tận, bởi một giờ trôi qua thật nhanh, và ánh mắt của chị khi kể về chuyện thiện nguyện vẫn sáng trong, nguyên vẹn như khi chúng tôi mới gặp gỡ.
Chị thấy vui hơn khi thay đổi được tư duy của rất nhiều học viên bởi quan điểm của mình: “Tôi không đưa tiền để cho một nhóm nào đó làm CSR hộ tôi. Việc đồng hành khiến tôi thực sự thấy mình sống rất có ích. Khi thay đổi được cách nghĩ ấy thì không chỉ một ngày lương mà bao nhiêu ngày cũng được!”.
“Biết thêm một ngoại ngữ là biết thêm một thế giới, là mở ra cả một tương lai”, học thêm tiếng Nhật, các con trường Hope sẽ có nhiều cơ hội mới. Nghĩ là làm, chị Trịnh Thu Hồng đưa ra ý tưởng rất nhân văn nhưng cũng đầy khó khăn này với chị Phạm Thị Thanh Hoa – COO FPT Japan. Kế hoạch ban đầu là mở một lớp, nhưng lực lượng tình nguyện viên đông đảo (hiện tại có 38 người, hơn một nửa là người Nhật), nhiều con hào hứng muốn tham gia. Chốt sổ, hai lớp với tên gọi Sakura và Fuji với quân số 15 em từ lớp 6-9 chính thức hoạt động từ 11/3/2024.
Cứ đều đặn 2 buổi một tuần, sau học chính khóa, vệ sinh cá nhân và ăn cơm tối, các con lại rủ nhau ngồi trước màn hình máy tính, đón chờ bài giảng từ các thầy cô đặc biệt – các cô chú FPT Japan gồm cả người Việt và Nhật, cách các con 3.734km. 19h là giờ học của các con, nhưng với thầy cô là đã vào gần nửa đêm (Việt Nam và Nhật bản lệch nhau 2 giờ).
Lớp không chỉ tập trung vào việc giảng dạy ngoại ngữ mà còn có hoạt động giao lưu văn hóa như gấp hạc giấy, chơi game, xem video, hát tiếng Nhật… để các con có cơ hội tiếp xúc với văn hóa Nhật, quan trọng hơn, để các con tìm được ước mơ cho riêng mình trong tương lai như đi du học, làm việc tại nước ngoài…
Đau đáu tâm nguyện làm hoạt động cộng đồng một cách thiết thực và hiệu quả nhất, chị Hoa chia sẻ: “Chúng tôi luôn nhận được sự hưởng ứng và tham gia rất nhiệt tình của nhân viên với hoạt động thiện nguyện. Có những hoạt động mới nhen nhóm, chưa kịp thông báo thì đã có nhiều nhân viên hỏi xin ‘giữ chỗ trước’ như chương trình dạy tiếng Nhật cho trẻ em trường Hope. Lớp học đi vào hoạt động, các bạn chia sẻ rằng họ cảm thấy hào hứng, nhận lại được hạnh phúc khi tiếp xúc với các em, thấy các em vui tươi, tràn đầy năng lượng và học hành nghiêm túc”.
Luôn cố gắng cùng nhau tạo nên những thay đổi tích cực và lan tỏa yêu thương đến những người cần giúp đỡ, dù sinh sống và làm việc tại nước ngoài, chị Hoa cùng anh chị em FPT Japan luôn hướng về Việt Nam, đến những đối tượng còn kém may mắn, đặc biệt là trẻ em nghèo. Hằng năm, FPT Japan luôn kết hợp quỹ Hy vọng để thực hiện các dự án như xây cầu tại các khu vực kinh tế khó khăn ở Đồng bằng sông Cửu Long; xây trường, xây nhà vệ sinh… cho các trường học ở vùng cao như Hà Giang, Điện Biên…
Song song, tại Nhật Bản, để đáp lại những điều tốt đẹp đã và đang nhận được tại đất nước này, chị và anh em FPT Japan cũng luôn duy trì các hoạt động như: hiến máu, Komodo Shokudo (căng-tin trẻ em – hoạt động tổ chức bữa ăn trưa cho các trẻ em khó khăn tại Nhật), ủng hộ các vùng thiên tai. Ngoài các hoạt động hướng đến con người, các hoạt động hướng đến bảo vệ môi trường, phát triển bền vững cũng được quan tâm. Đáng chú ý là Green Sunday tổ chức định kỳ hằng năm tại các chi nhánh trên khắp nước Nhật, hoạt động trồng cây tại Việt Nam (rừng Phong Điền), tại Nhật Bản (Miyagi-ken, Nagano-ken) cũng được duy trì.
Trăn trở mãi về chương trình dạy tiếng Nhật, chị Hoa mong muốn những chương trình giao lưu học tập thông qua hình thức trực tuyến hoặc kết nối giao lưu lâu dài sẽ mở rộng hơn trong tương lai, không chỉ với Hope mà còn với nhiều trường vùng sâu xa khác.
Ngắt Bùi Thị Phương Thảo (FPT Software) ra khỏi những cuộc điện thoại liên tục, không hồi kết, chị cười giao hẹn trước rằng “chẳng biết nói đâu”. Chị Thảo là một thành viên “kỳ cựu” trong nhóm thiện nguyện hoạt động tại FPT, nhìn bề ngoài thì một người phụ nữ nhẹ nhàng trông chẳng liên quan gì tới hình ảnh bê vác những thùng đồ lớn, xách những túi hàng nặng, đi bộ dọc đường mòn núi để tham gia vào các hoạt động thiện nguyện. Ấy thế mà ngược lại, đi thiện nguyện thì chị chẳng ngại việc gì. Chị chia sẻ: “Cứ có kế hoạch gì, ‘hú’ cái là tôi lên đường, trừ khi có việc bất khả kháng. Ngoài cắt phép, nhiều bạn trong nhóm sẵn sàng đóng thêm tiền ăn ở để không áp lực lên công đoàn của công ty”.
Ký ức của chị Thảo quay về những lần đến điểm bản. Đường đi một bên là núi, một bên là vực, chỉ khoảng 1,5m – đủ cho một xe máy di chuyển. Gặp hôm trời mưa, bùn ngập cả lóng tay, cả đoàn phải cuốc bộ khoảng 3-4km để vào đến điểm trường. “Vất thế nhưng ai đi về cũng sẽ cảm thấy năng lượng tích cực khác mà khó ở đâu có được, lần sau bảo đi vẫn đi. Khi đi 1-2 chuyến, bạn sẽ thấy mình may mắn hơn rất nhiều người. Được sẻ chia với mọi người là niềm hạnh phúc!”, chị Thảo tâm sự.
Một năm có 12 ngày phép, chị Thảo chỉ cần “cất” 2 ngày là ngày khai giảng và bế giảng của con, còn lại, chị dành hết cho hoạt động thiện nguyện. Và tinh thần “góp công, góp của” ấy luôn thường trực trong tất cả những người thuộc nhóm thiện nguyện.
Khi được biết tỉnh Sóc Trăng thiếu cầu để người dân di chuyển, nhưng điều kiện của tỉnh lại vô cùng khó khăn. Chị Thảo kết nối Sóc Trăng với Quỹ Hy Vọng. Quỹ sẽ hỗ trợ một phần, còn địa phương tự đối ứng. Đến tháng 1/2024, đã có quyết định chính thức sẽ xây 24 cây cầu tại đây.
Hoạt động thiện nguyện đã thành thói quen, cứ khoảng 12 tuần, chị Thảo lại hiến máu một lần. Không chỉ giúp cho cộng đồng, có lần con một đồng nghiệp ở FPT Software bị bệnh, cần rất nhiều máu, chị Thảo đã hô hào được nhiều người giúp đỡ. Cả ngày hôm đó bệnh viện chỉ tiếp người FPT.
Làm thiện nguyện một cách tự nhiên, xuất phát từ việc cảm thấy mình đã quá may mắn hơn rất nhiều người, chị Thảo vẫn tâm niệm “có bao nhiêu, giúp bấy nhiêu”, từ những sự góp sức nhỏ bé, có thể mang đến hy vọng cho nhiều cuộc đời, nhiều số phận bất hạnh.
Giữa bàn tiếp khách của chị Trần Thu Hà – Chủ tịch Công đoàn FPT – đặt một lọ thủy tinh chứa đầy vỏ sò, ốc. Hỏi ra mới biết, lũ trẻ trường Hope nhặt chúng dọc bờ biển, gom lại tặng “cô Hà”. Chị là một trong những người đầu tiên tham gia xây dựng trường Hope từ khi còn là ý tưởng, đón các con ở sân bay, cầm lấy những bàn tay e dè run sợ thuở ban đầu…
Làm công tác đoàn thể nhiều năm, nhưng trước đây chị Hà rất ngại chia sẻ. Chị hay từ chối phỏng vấn, một phần bởi “chẳng biết kể sao”, một phần vì ngại dư luận.
Chị nghĩ đơn giản là mình cứ làm tốt, chẳng cần phải khoe. “Nhưng rồi tôi nhận ra, việc tốt cần được lan tỏa, để nhiều người chung tay, mỗi người một chút, một chút thôi, là nhiều người được giúp. Tôi không khoe tôi làm những điều tử tế, tôi chỉ kể những câu chuyện tôi đang làm để khuyến khích mọi người làm”, chị chia sẻ những thay đổi trong suy nghĩ của bản thân.
Ở cương vị hiện tại, chị Hà cho rằng mình làm thiện nguyện không chỉ vì cái tâm của mình nữa, mà còn cho cả uy tín của công ty. Từ những ngày lương của CBNV, chị Hà luôn tự áp lực cho mình cách sử dụng đồng tiền ấy một cách hiệu quả nhất, đến đúng cái đối tượng cần được hỗ trợ nhất và mang lại giá trị cao nhất. Và có lẽ cũng chính vì thế, chị Hà đã dùng hành động của mình chứng minh, yêu thương cho đi sẽ khiến xã hội tốt đẹp hơn.
Chị Hà nuôi lòng tin vào tính tiếp nối sẽ được duy trì qua nhiều thế hệ người FPT trong tương lai. Nó luôn sống, được tăng trưởng, phát huy, và sẽ vẫn là một truyền thống tốt. Chị trở đi trở lại một mong muốn, đó là bản thân mỗi người được sống trong môi trường yêu thương sẽ có hành động yêu thương đối với đồng nghiệp và xã hội.
Theo chị, FPT sẽ không ngừng đóng góp cho cộng đồng. Sự đóng góp ấy có thể sẽ dưới những hình thức khác, trạng thái khác, nhưng chắc chắn luôn mạnh mẽ: “Trước đây chúng ra nghĩ về việc xây cầu, xây trường, nhưng Covid đến, chúng ta nghĩ đến việc thành lập trường nuôi dạy những đứa trẻ mồ côi có bố mẹ mất vì dịch bệnh. Những việc xảy đến vào giai đoạn khác nhau sẽ cho chúng ta những ý nguyện làm điều tốt đẹp khác. Sau này chúng ta cũng có thể làm nhiều điều khác. FPT xác định việc làm việc thiện hướng đến những thứ bền vững, mang tính chất tái thiết. Tức là làm sao để người dân ổn định cuộc sống, có điều kiện để cuộc sống tốt hơn.”
Có một câu hát của một nam rapper nổi tiếng mà chúng tôi chợt nhớ đến khi làm bài viết này: “Nhìn những người tốt xung quanh mình xem họ làm gì và làm theo, người tốt thì ngoài kia nhiều lắm”. Quả thật, xung quanh ta, người tốt rất nhiều, có lẽ vì thế mà chúng ta hạnh phúc hơn chăng?
Mỗi nhân vật trong bài viết này đều mang một màu sắc khác nhau, có thể là ngọn lửa luôn cháy bừng bừng, có thể là ngọn gió êm ả, hay dòng nước mát lành, hoặc dải đất vững chãi. Nhưng họ chính là đại diện cho người FPT, cho dù ở bất cứ vị trí gì cũng đều có sẵn trong mình tình yêu thương, tinh thần chung tay với cộng đồng, và lan tỏa đi những điều tích cực. Họ là những người sẵn sàng nhận “gạch đá” vẫn lì lợm thuyết phục anh em chung tay, là những người cần mẫn kết nối, truyền lửa bằng chuyến đi thật, việc làm thật, họ là những CBNV ngày ngày gõ phím nhưng gọi là lên đường, ở cách xa nhiều ngàn km nhưng vẫn chắt chiu gửi tấm lòng về…
Còn rất nhiều người chưa được nhắc tên nhưng bằng nhiều cách khác nhau đã và đang “gieo mầm” thầm lặng từng ngày ở FPT, hướng về phía ánh sáng để lan tỏa nhiều điều tốt đẹp.
Hồng Hà – Thu Quỳnh
Thiết kế: Khôi Phm