Công nghệ

23 tháng 03, 2023
Tham gia quá trình kiểm tra kiến thức hàng ngày, FPT AI Mentor sẽ là “người cố vấn”, định hướng và cá nhân hóa lộ trình phát triển cho mỗi nhân viên.  Xuất phát từ sáng kiến của nhóm The Trainner trong cuộc thi lập trình sáng tạo FCI Hackathon 2022, sau 3 tháng nghiên cứu và phát triển, giải pháp FPT AI Mentor hỗ trợ học tập trong doanh nghiệp đã chính thức được triển khai thử nghiệm cho khách hàng vào ngày 22/3. Khác với E-learning thông thường, FPT AI Mentor sẽ là người bạn đồng hành, dẫn dắt học viên bằng lộ trình đào tạo được cá nhân hoá chi tiết. Với bộ dữ liệu được tạo tự động bởi hệ tri thức số - knowledge base, FPT AI Mentor sẽ tham gia vào quá trình kiểm tra kiến thức hàng ngày. Từ kết quả học tập thực tế, sản phẩm đóng vai trò “người cố vấn”, định hướng và cá nhân hóa lộ trình phát triển cho mỗi nhân viên.  [caption id="attachment_3159" align="alignnone" width="1200"] Đội dự án FPT Smart Cloud.[/caption] Giải pháp này đem lại hiệu quả tối ưu về đào tạo, nâng cao trải nghiệm của nhân viên, giúp doanh nghiệp thoát khỏi tình cảnh “chảy máu nhân lực”. Đây là giải pháp lần đầu tiên có tại Việt Nam, FPT AI Mentor hứa hẹn sẽ xâm chiếm lĩnh vực đào tạo trong mọi doanh nghiệp và mở ra tương lai mới cho lĩnh vực này.  Anh Phan Hồ Hà Phương - Quản lý dự án chia sẻ: “Chúng tôi cùng nhau nghiên cứu, cả những anh em non-tech cũng học để tự làm sản phẩm, mọi người vô cùng nhiệt huyết mà không ngại khó khăn. Dù đội ngũ còn mới, chưa nhiều kinh nghiệm, nhưng tôi tin rằng một cái bình rỗng sẽ luôn đổ được nhiều nước hơn một cái bình đầy.” Với sự hỗ trợ của toàn bộ nguồn lực từ nhiều phòng ban khác nhau của Khối Sản phẩm AI, sản phẩm FPT AI Mentor đã hoàn thiện và chính thức triển khai thử nghiệm (pilot) cho đơn vị "mở hàng" FPT Long Châu. Các doanh nghiệp lớn khác như VIB, Sunlife hay VPbank cũng đang trong quá trình chuẩn bị POC. FPT AI Mentor sẽ sớm được triển khai cho người FPT Smart Cloud trong thời gian tới. Ánh Dương
13 tháng 03, 2023
Người tham dự AI Conference 2023 sẽ được lắng nghe những chia sẻ về những xu hướng trải nghiệm khách hàng mới nhất và chiến lược kiến tạo trải nghiệm khách hàng dựa trên công nghệ mới. Công nghệ phát triển, khách hàng có thể giao tiếp với doanh nghiệp đa kênh, đa chiều với nhiều hình thức khác nhau. Những cuộc hội thoại giữa doanh nghiệp với khách hàng là nguồn dữ liệu vô cùng quý giá, giúp doanh nghiệp thấu hiểu và cung cấp những tiện ích đáp ứng đúng nhu cầu của từng khách hàng. Làm thế nào để doanh nghiệp có thể khai thác và chuyển hóa hiệu quả nguồn tài nguyên vô giá này? Công nghệ AI đóng vai trò gì trong chiến lược đó? Là đơn vị tiên phong cung cấp bộ giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm giải quyết bài toán về trải nghiệm khách hàng, FPT Smart Cloud tổ chức hội thảo chiến lược “AI Conference 2023 - Shaping the future of CX” vào từ 14h30 đến 17h, thứ Sáu, ngày 17/3 tại GEM Center, số 8 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Đa Kao, quận 1, TP HCM. [caption id="attachment_3148" align="alignnone" width="1200"] Hội thảo chiến lược AI Conference 2023 “Shaping the future of CX" quy tụ nhiều lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực trải nghiệm khách hàng bằng công nghệ số.[/caption] Hội thảo chiến lược AI Conference 2023 “Shaping the future of CX" quy tụ nhiều lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực trải nghiệm khách hàng bằng công nghệ số. Sự kiện có sự tham gia của các diễn giả: anh Lê Hồng Việt - Tổng giám đốc FPT Smart Cloud, bà Đào Thiên Hương - Phó tổng giám đốc Bộ phận Tư vấn Chiến lược EY-Parthenon, bà Anastasia Fokina - Giám đốc Vận hành Home Credit Việt Nam. Đến sự kiện, người tham dự sẽ được lắng nghe những chia sẻ về những xu hướng trải nghiệm khách hàng mới nhất và chiến lược kiến tạo trải nghiệm khách hàng dựa trên công nghệ mới như AI; đồng thời khám phá hệ sinh thái những giải pháp trong xu thế xây dựng trung tâm chăm sóc khách hàng thông minh (Intelligent Contact Center). Hội thảo có sự góp mặt của hàng trăm khách mời là các lãnh đạo doanh nghiệp, quản lý cấp cao, các chuyên viên, chuyên gia trong mạng lưới khách hàng của FPT, do đó số lượng đăng ký có giới hạn. Khách tham dự sẽ được nhận thư mời xác nhận sau khi đăng ký thành công. Người F quan tâm đăng ký tại đây.  Ánh Dương
10 tháng 03, 2023
Sở hữu bộ sưu tập chứng chỉ đáng ngưỡng mộ từ Google Cloud, AWS, Azure và Oracle Cloud, Đặng Đức Huy - Kỹ sư Giải pháp tại FPT Smart Cloud còn là một trong những thành viên "cốt cán" trong mạng lưới Google Developer Group (GDG) Cloud Hà Nội. Đồng thời, Huy cũng là cây bút tài năng, là gương mặt quen thuộc tại diễn đàn của các cộng đồng lập trình viên trẻ, sở hữu blog cá nhân chia sẻ kinh nghiệm trên hành trình chinh phục công nghệ. Cùng tìm hiểu thêm về Gen Z đa tài nhà FCI và quá trình “săn chứng chỉ” Cloud nhé! 1. Chuẩn bị      a. Newbee Để bắt đầu quá trình làm việc với Cloud, mình đã có dịp tiếp xúc khi còn đang học năm 3 tại trường đại học. Trong quá trình làm bài tập lớn về xây dựng website mình đã tìm đến Google Cloud để có 300$ free để có thể xây dựng máy ảo để có thể deploy code để có thể show website mà không phải chạy dưới local như các bạn khác. Lúc là sinh viên mình bắt đầu mày mò và tra cứu các bước để tạo một VM cài đặt môi trường và deploy code trên đó, sau đó mình tiến xa hơn là cài đặt domain và có một chút xíu về HA và đương nhiên sau quá trình đó điểm được cộng vào trong đề tài nghiên cứu. Mình có làm video để có thể tạo ra một website có domain + SSL để bạn có thể config xịn xò demo cho các thầy cô nếu bạn có bài tập tương tự nhu mình  Các thành phần cơ bản: VM: Google Cloud Domain: https://www.freenom.com/vi SSL: Certbot Trong video mình không nói gì đâu vì ngại giao tiếp nên mọi người thông cảm ^^     b. Tập sự Trong quá trình thực tập tại công ty thì mình có được giao thêm nhiệm vụ tìm hiểu thêm về các service của Google Cloud và có làm một số POC trên nền tảng này -> Công ty có yêu cầu thì chứng chỉ Google Cloud Certified Professional Cloud Architect nên mình đã bắt đầu học và bắt đầu tìm hiểu về chứng chỉ này đầu tiên. 2. Quá trình thực hiện     a. Thi chứng chỉ của Google Cloud      Mình có thi ba chứng chỉ của Google Cloud:     - Associate Cloud Engineer     - Google Cloud Certified Professional Cloud Architect      - Professional Data Engineer     Mình tập trung ôn thi tại Coursera (có những khóa học do chính Google biên soạn nên mình học ở đây để lấy các kiến thức nền tảng) -> sau đó mình học ở Linux Academy (giờ nó đổi sang A Cloud Guru rồi nhé) và xem thêm Youtube (kênh của Mahesh cực kì chất lượng phân tích các casestudy rất hay nhé), ngoài ra có rất nhiều kênh Youtube khác bạn nên xem và tham khảo để tăng thêm độ chắc chắn cho kiến thức.     Tập trung làm các bài lab trên Qwiklabs -> làm để hiểu rõ hơn cách thức Google Cloud cấu hình và setup các service của họ     Tham khảo kinh nghiệm thi và nội dung cấu trúc đề trên Medium (Vì mỗi năm đề sẽ được thay đổi nên chọn những bài viết có thời gian gần hiện tại nhất)     b. Thi chứng chỉ AWS Sau khi mình thi xong bộ 3 chứng chỉ của Google Cloud thì do công việc thường phải đi presales và mình muốn hiểu hơn về cloud nên đã tìm hiểu thêm về AWS - một trong các dịch vụ cloud hiện đang được rất nhiều người sử dụng và biết tới Tên chứng chỉ: AWS Certified Solutions Architect – Associate Certification (SAA-C02) Tài liệu mình sử dụng trong lần thi này bao gồm: Kênh youtube của freeCodeCamp: Link  Dojo cheatsheat giúp hệ thống kiến thức và tra cứu khi làm đề thi thử cực kì hữu dụng: Link Xem thêm các bài chia sẻ trên Medium về kinh nghiệm thi.     c. Thi chứng chỉ Azure Để hoàn thành bộ sưu tập và có cái nhìn tổng quát hơn nữa về ba nền tảng cloud lớn nhất hiện nay nên mình đã tìm hiểu thêm về Azure. Cách thi của Azure cũng khá mới mẻ, nó đòi hỏi thiên về thực hành nhiều hơn với các câu hỏi có cả giao diện cài đặt hay có kiểu câu trả lời kéo thả, sắp xếp chính thứ tự các bước cấu hình một vấn đề nào đó nên khá thụ vị và khó nhằn. Tên chứng chỉ: Microsoft Certified: Azure Administrator Associate AZ-104 Tài liệu mình sử dụng trong lần thi này bao gồm: Kênh youtube của freeCodeCamp: Link Dojo cheatsheat tương tự như của aws: Link     d.Thi chứng chỉ Oracle Đây là chứng chỉ mà công ty có yêu cầu thêm mình thi để phục vụ cho việc pre-sales của công ty. Mình thi chứng chỉ của Oracle là bài thi foundations nên kiến thức khá nhẹ tập trung hỏi tổng quan các dịch vụ cơ bản nhất của Oracle. Tuy Oracle cloud chưa có nhiều các service mở rộng nhưng với việc có các hệ thống Oracle Database đang làm core của rất nhiều bank hay các hệ thống lớn thì Cloud của Oracle vẫn có một lợi thế nhất định Tên chứng chỉ: Oracle Cloud Infrastructure Foundations 2020 Associate (1Z0-1085-20) Tài liệu mình sử dụng trong lần thi này bao gồm: Kênh youtube của freeCodeCamp: Link Tham khảo thêm document của hãng, các trang cung cấp dump free trên mạng thì với chứng chỉ này mình thấy dễ thở nhất trong các loại chứng chỉ mình đã từng thi. Ngoài ra Oracle cũng có chứng chỉ Oracle Cloud Infrastructure 2020 Architect Associate với độ khó hơn nhưng mình cũng chỉ đọc qua chưa thi, đánh giá cũng ngang độ khó với các chứng chỉ associate cũng google hay aws 3. Kết quả và các lưu ý [caption id="attachment_3059" align="alignnone" width="644"] Hình 1: Đây là toàn bộ quá trình mình thi các chứng chỉ Cloud[/caption] Ban đầu làm quen và thi nên trượt hơi nhiều và cũng mất khá nhiều thời gian để bắt đầu và nghiên cứu, thực hành các bài lab. Sau khi thực hành nhiều và có thi trượt nên kết quả có khả quan đôi chút [caption id="attachment_3060" align="alignnone" width="640"] Hình 2: Mình khởi đầu bằng Google Cloud nên thi khá nhiều các chứng chỉ của Google[/caption] [caption id="attachment_3061" align="alignnone" width="640"] Hình 3: Các chứng chỉ sẽ nhận được sau khi hoàn thành kì thi[/caption] Với các bạn newbee hoặc chưa có kinh nghiệm về Cloud thì theo quan điểm cá nhân của mình nên chọn học sâu vào một nền tảng Cloud cụ thể như google (Ngoài ra có thể là AWS hoặc Azure mình nghĩ môi trường làm việc đầu tiên sẽ ảnh hưởng tới quyết định bạn hoặc nền tảng Cloud nào trước). Sau khi bạn đã khá thành thạo với một nền tảng Cloud thì việc học thêm kiến thức về một nền tảng khác sẽ dễ dàng hơn rất nhiều vì cách thiết kế cũng như các service của các nền tảng có tính chất và mục đích khá tương đồng nhau.Điều này cũng giống như khi học đại học đa số chúng ta sẽ học ngôn ngữ lập trình là Java, sau khi gia trường với kiên thức về giải thuật, kinh nghiệm code Java thì việc học các ngôn ngữ khác như PHP, NodeJS, Python sẽ nhanh hơn và dễ bắt kịp hơn. Kiến thức nền tảng càng chắc sẽ tỷ lệ thuận với tốc độ bạn học ngôn ngữ mới. Đặng Đức Huy - Kỹ sư nghiên cứu & phát triển giải pháp, FPT Smart Cloud
06 tháng 03, 2023
CEO FPT Smart Cloud Lê Hồng Việt đã làm rõ dịch vụ, bài toán AI mà đơn vị đã, đang giải và định hướng tương lai tại Techtalks#1.   "ChatGPT đang thay đổi chính công việc của chúng tôi. Vậy chúng ta cần làm gì trong bối cảnh ChatGPT hoành hành khắp mọi nơi trên thế giới?” - anh Lê Hồng Việt, Tổng Giám đốc FPT Smart Cloud mở đầu phần trình bày tại Techtalks số 1 năm 2023. Theo anh Việt, việc phát triển AI ở FPT diễn ra rất sớm. Từ năm 2013, FPT đã bắt đầu nghiên cứu và xây dựng giải pháp liên quan đến ngôn ngữ, giọng nói, các mô hình để hiểu và xử lý ngôn ngữ tự nhiên - thứ dễ tiếp cận nhất và có nhiều dữ liệu nhất từ báo chí, tài liệu... Theo anh Việt, lĩnh vực nghiên cứu AI chia làm 2 loại: xử lý ngôn ngữ tự nhiên và xử lý dữ liệu từ các máy móc (tuy nhiên Việt Nam không mạnh về mảng này). Đến năm 2015, FPT tiến thêm một bước khi tham gia xây dựng Recommendation system (hệ thống gợi ý). Năm 2016, FPT.AI thực hiện xử lý ảnh và các phát hiện bất thường (irregular detection) trong một hoạt động. Thời gian này, các hoạt động chỉ đơn thuần mang tính chất nghiên cứu. Phải đến năm 2017, FPT mới tập trung đưa ra một ứng dụng nhằm áp dụng AI vào cuộc sống của mình. Nền tảng FPT.AI đưa ra đầu tiên vào năm 2017 chính là FPT.AI Chat. Lúc đó, người FPT có mong muốn tất cả các kênh chat trên mạng xã hội và các tin nhắn đều chat với máy. "Thời điểm đó, FPT mạnh dạn đặt ra mục tiêu đứng đầu Việt Nam ở lĩnh vực AI về tiếng Việt, nhưng khách hàng đầu tiên lại là một đơn vị sử dụng tiếng Anh ở Singapore. Đôi khi như lời Chủ tịch Trương Gia Bình đã nói là cuộc đời đưa đẩy. Bắt đầu từ Singapore nhưng sau đó chúng tôi lại trở về Việt Nam", anh Lê Hồng Việt tâm sự. [caption id="attachment_3043" align="aligncenter" width="1200"] CEO FPT Smart Cloud Lê Hồng Việt trình bày tại Techtalks#1.[/caption] Đến nay, FPT.AI Chat vẫn luôn là sản phẩm chủ lực - sản phẩm flagship khi khách hàng nhắc đến FPT.AI. Tuy lợi nhuận thu được từ đây cũng không cao, khi nhận định FPT.AI có thực sự tốt và thông minh không, khách hàng sẽ đánh giá hệ thống chat đầu tiên. Vì vậy, nhà F đã đầu tư rất nhiều vào lĩnh vực này. Năm 2018, sau khi vẫn loay hoay với hệ thống FPT.AI Chat nhưng lợi nhuận thấp, FPT quyết định đầu tư thêm về FPT.AI Engage. Với hệ thống Voice Bot, con người vẫn trò chuyện với máy nhưng qua kênh thoại. Từ nhu cầu của khách hàng đầu tiên, đơn vị mạnh dạn nhận thầu khi FPT.AI đã có chat, AI nhận diện giọng nói... Vì vậy, chỉ sau 6 tháng phát triển, FPT.AI đã đánh bại 2 đối thủ trong đó có Nuance Communications - một công ty công nghệ thoại cung cấp công cụ nhận dạng giọng nói của Siri trên iPhone. Trong 6 tháng tiếp theo, FPT.AI đã triển khai thành công, đưa vào vận hành với khối lượng công việc mà khách hàng dự kiến cần đến 18 tháng để hoàn thành. Anh Trần Thế Trung - Giám đốc Khoa học FPT.AI FPT Smart Cloud là người trực tiếp thực hiện dự án này. Năm 2019, FPT.AI đưa ra thêm FPT.AI Read (trích xuất chính xác nội dung từ ảnh chụp mẫu văn bản có sẵn) và FPT. AI eKYC (định danh khách hàng số). Đến năm 2021, đơn vị thay đổi tên toàn bộ sản phẩm. Không còn chỉ đơn thuần chat, voice vô tri vô giác, các tên gọi như FPT.AI Engage, FPT.AI Enhance, FPT Understand thể hiện sự cam kết với khách hàng bằng AI giúp tạo ra sự tương tác, thấu hiểu, cá nhân hóa khách hàng, thấu hiểu lĩnh vực và bối cảnh. "Ví dụ, khi nhân viên FPT Telecom hỗ trợ khách hàng, FPT.AI Enhance sẽ giúp họ phát hiện ra đâu là điểm mình cần cải thiện và khách hàng không hài lòng. Tất cả sẽ được FPT.AI Enhance cảnh báo. Hy vọng đây sẽ là sản phẩm chủ lực tiếp theo của FPT.AI. Hiện tại đã có nhiều khách hàng đánh giá cao khi sử dụng thử nghiệm sản phẩm". Một sản phẩm khác rất được chú ý là FPT.AI Understand - nhằm chứng minh cho khách hàng thấy FPT.AI hiểu lĩnh vực và bối cảnh. Ví dụ, hệ thống thực hiện các cuộc hỗ trợ bán hàng từ xa sử dụng AI. FPT.AI có thể giúp phân loại tệp khách hàng và thuyết phục họ chi trong khả năng chi trả của mình. Từ những dữ liệu có được, FPT.AI Understand có thể tạo nên nhiều đồ thị liên kết với nhau, tựa như một hệ thống nhưng được điều khiển bởi con người, thậm chí còn có thể tự học. Đây là điểm khác biệt lớn so với Chat GPT. ChatGPT không trả lời được sự thật, nhiều câu trả lời không chính xác. Còn FPT.AI Understand đảm bảo sự chính xác trong từng câu trả lời. Khi làm việc với một ngân hàng lớn hàng đầu Việt Nam, họ kiểm soát đến từng câu từng chữ. Như khi so sánh sản phẩm, nếu chúng ta vô tình đưa tên một sản phẩm khác của đối thủ vào, chắc chắn sẽ bị "tuýt còi". Hay trợ lý ảo cũng được áp dụng nhiều trong FPT, phục vụ tự động hóa ở FPT Telecom, FPT Shop và FPT Long Châu. "Chúng tôi đang hợp tác với FPT Long Châu để viết những bài thuốc, cách phòng chống bệnh tật với độ chính xác gần như tuyệt đối và ngành dược là lĩnh vực không thể đùa được" - anh nói và nhấn mạnh sự khác nhau khi phục vụ doanh nghiệp và phục vụ công chúng. Một số thành tựu đạt được của FPT.AI đến nay, như: 20 khách hàng đang sử dụng dịch vụ (chủ yếu là ngân hàng, công ty tài chính, bảo hiểm. FPT.AI đang hỗ trợ khoảng 120 triệu lượt tương tác/tháng. "Trong năm 2023, FPT.AI sẽ tiếp tục đưa ra những sản phẩm mới, như FPT.AI Mentor giúp cải thiện mỗi nhân viên qua từng ngày. Hàng ngày, mentor sẽ hỏi nhân viên cần gì, hiểu kiến thức chính xác chưa... qua đó sẽ giúp hỗ trợ, tương tác, làm hộ nhằm tăng hiệu quả năng suất làm việc của nhân viên" - TGĐ FPT Smart Cloud thông tin tới người F. Theo Chungta
03 tháng 03, 2023
Có lẽ thời gian gần đây khái niệm Serverless đã không còn xa lạ gì với những tín đồ công nghệ và cả những doanh nghiệp đang thực hiện quá trình chuyển đổi số. Serverless thực chất là gì? Những đặc điểm nổi bật của nền tảng này? Tiện ích nền tảng mang lại là gì? Và phương pháp để các cá nhân, tổ chức có thể tiếp cận cũng như áp dụng serverless? Hãy cùng phân tích thông qua bài viết này. [caption id="attachment_3024" align="aligncenter" width="2048"] Phương pháp triển khai ứng dụng qua từng giai đoạn[/caption] Lịch sử các phương pháp triển khai, vận hành ứng dụng Trước khi đi vào phân tích về serverless. Hãy cùng nhìn lại một vài nét về quá trình phát triển của phương pháp triển khai và vận hành một ứng dụng.   Từ thời đại của hạ tầng vật lý, ứng dụng được triển khai trực tiếp lên hệ điều hành của một máy chủ, mô hình này sẽ đòi hỏi nhiều tài nguyên để vận hành cũng như việc đầu tư thiết bị đắt tiền cùng hàng loạt những vấn đề mà người quản trị phải giải quyết như sao lưu/phục hồi, lãng phí tài nguyên, đảm bảo tính sẵn sàng, mở rộng và bảo mật cho ứng dụng.  Hệ thống ảo hoá ra đời đã giải quyết hầu như triệt để những vấn đề của mô hình vật lý. Hàng loạt những công nghệ ảo hoá ra đời và hiện nay vẫn đang được dùng rất nhiều như VMware, KVM, Xen, HyperV… Bằng việc phân tách một máy vật lý ra thành nhiều máy ảo chạy hệ điều hành độc lập sẽ tận dụng được nhiều tài nguyên hơn. Ngoài ra, các nền tảng ảo hoá còn có nhiều tính năng như mở rộng linh hoạt, sao lưu/khôi phục, snapshot, live-migrate, khả năng HA các máy ảo trong cụm vật lý… giúp ứng dụng được triển khai một cách đáng tin cậy hơn so với mô hình vật lý.  Ảo hoá ngày nay vẫn là một công nghệ đang hot, các hãng tận dụng công nghệ này và phát triển thêm hàng loạt những dịch vụ đi kèm, tổ hợp thành các Public/Private Cloud mà ta đang sử dụng ngày nay. Tuy vậy, việc triển khai ứng dụng trên VM khá cồng kềnh gồm cả OS, middle layer (thư viện, runtime, …), app gây khó khăn cho các team phát triển về việc quản lý version, môi trường triển khai, đóng gói, time-to-market. Vì vậy mà container ra đời giúp các nhà phát triển đóng gói nhanh chóng ứng dụng trong một container image, triển khai container lại vô cùng nhanh chóng đi kèm khả năng tương thích với hầu hết hệ điều hành. Với kiến trúc phức tạp và xu thế ngày nay như microservice, CI/CD, GitOps container hầu như trở thành yếu tố bắt buộc phải có. Qua phân tích trên ta thấy rằng công nghệ triển khai ứng dụng thay đổi theo từng thời kỳ đều tuân theo quy luật tiện dụng, nhanh chóng, khả năng mở rộng, chịu lỗi tốt. Chính vì thế mà container đã bùng nổ như một cơn sốt công nghệ, đạt CAGR 30.8% năm 2017-2022 và sẽ còn tiếp tục tăng trưởng những năm sắp tới, nhiều doanh nghiệp đang chuyển đổi số hoặc trong giai đoạn phát triển ứng dụng mới đều sẽ tận dụng những tiện nghi của công nghệ microservice, container để giúp sản phẩm của họ nhanh chóng được đưa đến người dùng (tối ưu time-to-market), tiết kiệm đáng kể chi phí hạ tầng và nhân sự vận hành quản trị.  [caption id="attachment_3023" align="aligncenter" width="1920"] Báo cáo thị trường container – Theo 451 Research[/caption] Tuy rằng có nhiều tiện ích trong việc phát triển ứng dụng nhưng chúng ta cần phải nhìn nhận rằng container nói chung hay Kubernetes nói riêng (công cụ quản trị, phân bố, tự động hoá trong triển khai container) vẫn còn nhiều điểm khó tiếp cận đến người dùng như: Vận hành quản trị: Đòi hỏi nhiều kỹ năng như network, system, develop, logging, monitoring,… Yêu cầu bảo mật cao cho ứng dụng container. Rất phức tạp cho người mới. Cần lựa chọn vendor cung cấp dịch vụ uy tín hoặc tự triển khai. Vấn đề về giải pháp lưu trữ dài hạn cho container. [caption id="attachment_3025" align="aligncenter" width="975"] Xếp hạng những khó khăn trong sử dụng Kubernetes (container) – Theo TheNewStack[/caption] Serverless – Xu thế tất yếu của điện toán đám mây Nhận định trên đưa ta đến một kết luận về sự ra đời tất yếu của nền tảng mới mà ở đó nhà phát triển ứng dụng sẽ chỉ cần tập trung vào việc coding, hoạch định bài toán kinh doanh còn lại toàn bộ hạ tầng đều được nhà cung cấp dịch vụ quản lý. Đó chính là công nghệ “Serverless”, serverless không có nghĩa là không cần máy chủ server để hoạt động, mà nó mang ý nghĩa trừu tượng về cách thức sử dụng, thực ra những máy chủ này đã được quản lý bởi nhà cung cấp dịch vụ (cloud provider) bao gồm hạ tầng, DC, network, storage, security, platform, auto-scale để người phát triển ứng dụng chỉ cần đẩy code lên để chạy, đồng thời chỉ chi trả cho những tài nguyên được tiêu thụ trong thời gian xử lý request. Việc này giúp tiết kiệm hơn rất nhiều so với mô hình cloud VM hoặc sử dụng dịch vụ Kubernetes đều phải trả chi phí hàng tháng dù tài nguyên có được sử dụng hoặc idle. Trong mô hình cung cấp dịch vụ của điện đoán đám mây, serverless được xếp vào lớp Function as a service (FaaS) – trong một số tài liệu vẫn xếp serverless vào lớp Platform as a service (PaaS) về bản chất FaaS hay PaaS đều cung cấp công cụ cho người dùng ở lớp nền tảng phát triển Application. Dịch vụ điển hình của PaaS như fully-managed kubernetes hoặc database engine cho phép người dùng sử dụng để triển khai (deploy) ứng dụng với một vài lượt nhấp hoặc kéo thả, tuy nhiên sẽ vẫn phải cần có kiến thức về DB hoặc K8S để thực hiện các task của DBA hoặc Devops khi cần triển khai ứng dụng. Còn đối với FaaS người dùng chỉ cần phát triển code để xử lý nghiệp vụ ứng dụng và hầu như không cần sự can thiệp về mặt hệ thống khi triển khai và vận hành. Bảng dưới đây so sánh sự khác nhau đặt trưng của IaaS, PaaS và FaaS:   IaaS  PaaS  FaaS  Unit of development  Operating System  Application  Functions  Provides  VM package with OS  Dev platform  Execute code on-demand  Abstracts  Physical server  OS & middleware  Programing runtime  [caption id="attachment_3026" align="aligncenter" width="1200"] Model FaaS giữ vị trí giữa PaaS và SaaS[/caption] Hiện nay trên thị trường serverless có lẽ chúng ta đã quá quen với những cái tên lớn như AWS Lamda, Azure Functions, Google Cloud Functions, các nền tảng này được áp dụng rộng rãi với nhiều câu chuyện thành công được chia sẻ. Ở phân khúc mã nguồn mở của serverless, những nền tảng có cộng đồng lớn có thể kể đến như KNative, OpenFaaS, Apache OpenWhisk, Kubeless, fission. Để hiểu rõ hơn ưu thế của serverless chúng ta cùng điểm qua một số tiện ích cốt lõi của serverless mang lại: Được quản trị hoàn toàn (fully managed): Các nhà phát triển sẽ không phải bận tâm về hạ tầng nữa. Dịch vụ serverless được cloud provider quản trị toàn bộ phần hạ tầng, hệ điều hành, middleware, runtime của ngôn ngữ lập trình và các module liên quan. Kiến trúc event-driven: Một trong những yếu tố then chốt trong microservice để giải quyết bài toán decoupling và phân tán. Các nền tảng serverless đều có cơ chế để được gọi thực thi khi xảy ra sự kiện từ hệ thống (e.g AWS Lamda được trigger khi có sự kiện trên dịch vụ notification SNS). Mở rộng không giới hạn (scale-out): Tận dụng lợi thế hạ tầng sẵn có của cloud provider, giúp người dùng dễ dàng mở rộng ứng dụng ứng dụng theo lượng tải đột biết hoặc giảm về 0 khi không được sử dụng. Tính sẵn sàng cao (high availability): Bản chất của serverless được cung cấp trên nền tảng hạ tầng kế thừa của cả mức IaaS và PaaS do đó khả năng HA đã được tích hợp sẵn bên trong. Less-Ops: Một số thao tác vận hành vẫn có ở serverless như database, debugging, testing,… trong môi trường container shell. Ngoài ra, kiến trúc serverless sẽ sử dụng một số dịch vụ đi kèm của cloud như Database Engine, Message Queue Engine, Monitor/Alert, Vault Engine,… giúp hạn chế tối đa thao tác vận hành. Tối ưu hoá chi phí: Chỉ chi trả cho lượng tài nguyên xử lý khi có request hoặc event và sẽ không mất phí khi ứng dụng rảnh rỗi (idle). Việc này tối ưu hơn rất nhiều so với chúng ta chạy VM và phải trả một chi phí cố định hàng giờ. No vendor lock-in: Với cùng một mã nguồn của nhà phát triển có thể triển khai được trên nhiều dịch vụ serverless của các nhà cung cấp khác nhau. Ngoài ra, khả năng tương thích này còn giúp quá trình dịch chuyển dịch vụ một cách nhanh chóng. Một số dịch vụ điển hình ứng dụng công nghệ serverless triển khai có thể kể đến như sau: Ứng dụng web: Static website, webapps, micro frontend, common framework flask/django/spring/fastapi,… Ứng dụng backend: Backend app/service, backend mobile, IoT edge,… Xử lý dữ liệu: Realtime data processing, Map reduce, batch processing, stream processing, ML inference,… Tác vụ tự động hoá IT: policy engine, infrastructure management,… Bên cạnh những tiện ích vượt trội, không phải ứng dụng IT nào cùng có thể triển khai trên nền tảng serverless. Để xác định ứng dụng doanh nghiệp của bạn có phù hợp để triển khai serverless hay không chúng ta có thể xét qua 07 tiêu chí dưới đây: Ứng dụng stateless: Những tài nguyên phát sinh trong quá trình thực hiện một request sẽ mất sau khi kết thúc request đó. Việc này cần lưu ý đối với những ứng dụng cần giữ session trong phiên giao dịch, cần có thiết kế lưu trữ ở DB hoặc cache trong dịch vụ trước khi kết thúc chu trình. Tính chất ephemeral: Bản chất của serverless hoạt động trên nền container, do đó tất cả dữ liệu file được ghi trên container này sẽ bị xoá đi khi container không còn tồn tại do quá trình auto-scale. Hỗ trợ ngôn ngữ: Không phải nền tảng serverless nào cũng hỗ trợ đầy đủ ngôn ngữ lập trình, nên việc lựa chọn nền tảng thống nhất để đáp ứng toàn bộ ngôn ngữ lập trình cho dự án của bạn cũng rất quan trọng. Chỉ duy trì khi hoạt động: Một số nền tảng sẽ giảm số lượng container về 0 khi dịch vụ không hoạt động (idle) quá lâu. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc khi cần sử dụng ứng dụng sẽ mất thời gian để khởi động lại gây ảnh hưởng đến trải nghiệm. Nên thiết kế để dịch vụ luôn có ít nhất một thành phần sẵn sàng nhận request hoặc chạy keep-alive dịch vụ. Cơ sở dữ liệu: Sử dụng serverless với cơ sở dữ liệu quan hệ (relational database) sẽ có nhiều hạn chế do cơ chế giới hạn concurrent connection của DB, nên việc lựa chọn NoSQL trong serverless sẽ có nhiều lợi thế hơn. Không cho phép truy tập file system: Như tính chất stateless và ephemeral của serverless kể trên, việc ứng dụng sử dụng config từ file system hoặc ghi dữ liệu ra tệp tin sẽ không được hỗ trợ như sử dụng Cloud VM. Logging & Monitoring: Mỗi nền tảng serverless sẽ có cơ chế lấy log cũng như khả năng giám sát giới hạn các thông tin có thể cung cấp đồng nghĩa với việc không thể tận dụng cũng như tích hợp được với các phần mềm có sẵn của người dùng. Hiện tại các nhà phát triển, doanh nghiệp đã có thể dễ dàng đăng ký cũng như sử dụng, trải nghiệm công nghệ Serverless của các nhà cung cấp cloud nước ngoài như AWS, Azure, Google Cloud. Đối với các nhà cung cấp cloud trong trước hiện tại vẫn chưa có đơn vị cung cấp dịch vụ serverless nên việc trải nghiệm sẽ còn hạn chế, thay vào đó bạn vẫn hoàn toàn có thể tự triển khai riêng cho mình một hệ thống serverless local dựa trên các dịch vụ có sẵn của nhà cung cấp trong nước. Dưới đây là một ví dụ tham khảo việc triển khai nền tảng serverless sử dụng mã nguồn OpenFaaS – mã nguồn mở cho phép triển khai hệ thống serverless với các tính năng cơ bản đáp ứng mức production ready (https://www.openfaas.com). – Chuẩn bị hạ tầng: o Sử dụng Cloud Virtual Machine để tự triển khai Docker, Kubernetes bằng các công cụ như Rancher, Kuberspray, kubeadm, openshift,… tuy nhiên sẽ tương đối phức tạp cần có nhiều kiến thức để triển khai và vận hành hiệu quả. o Phương án sử dụng dịch vụ cloud có cung cấp sẵn nền tảng Managed Kubernetes – FPT Kubernetes Engine (FKE) của FPTCloud là một dịch vụ điển hình, bạn có thể tham khảo thêm tại đây. – Triển khai dịch vụ Serverless: Tham khảo hướng dẫn triển khai trên nền K8s tại đây. – Cấu hình expose dịch vụ: o Đối với phương án tự triển khai trên virtual machine bước này sẽ cần bạn phải triển khai thêm dịch vụ LB trên K8s như MetalLB, Cilium,… và ingress controller như nginx, traefik, haproxy,… o Với cách sử dụng dịch vụ managed Kubernetes thì loadbalancer và ingress đã được tích hợp sẵn ở mức hạ tầng, bạn chỉ cần expose service ở tầng dịch vụ K8s, nhà cung cấp dịch vụ Cloud sẽ tự động hoá hoàn toàn các bước. Sau đó bạn chỉ cần truy cập từ domain đã khai báo ở phần cài đặt trên và trải nghiệm. [caption id="attachment_3027" align="aligncenter" width="2048"] Mô hình triển khai Serverless in-house[/caption] Kết luận Ngày nay, với sự bùng nổ trong nền công nghiệp 4.0, hàng loạt những công nghệ mới ra đời nhằm đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của con người. Xuyên suốt bài viết chúng ta đã sơ lược qua quá trình phát triển của lĩnh vực điện toán và sự xuất hiện tất yếu của nền tảng Serverless. Chúng ta cũng đã định hình được vị trí của FaaS trong mô hình cung cấp dịch vụ của điện toán đám mây cũng như đã liệt kê ra được những lợi ích và hạn thế mà nền tảng này mang lại, đồng thời đưa ra những ứng dụng cụ thể của serverless trong việc phát triển phần mềm. Vẫn còn quá sớm để có thể kết luận được serverless có thể hoàn toàn thay thế được toàn bộ workload IT trong tương lai hay không, do về cơ bản, bản thân cơ chế hoạt động, lưu trữ của serverless chưa phù hợp cho các ứng dụng đặc thù, ứng dụng cơ sở dữ liệu, ứng dụng cần tính toán lớn,… Tuy nhiên với vị trí của một công nghệ mới nổi (emerging technology) cùng với những tính chất vượt trội như tối ưu hoá chi phí hạ tầng/vận hành, tối ưu time-to-market, nhanh chóng và đảm bảo; serverless hoàn toàn có thể là một công nghệ được sử dụng nhiều nhất trong thời gian sắp tới ở thời đại của microservice, edge computing. Trần Quốc Sang – Senior Cloud Engineer, FPT Smart Cloud
01 tháng 03, 2023
Với những đột phá và phát triển của AI sẽ tiếp tục thúc đẩy việc sáng tạo và tiên phong kiến tạo những xu hướng mới, nhân sự ngành AI hứa hẹn sẽ trở thành nguồn nhân lực then chốt để phát triển lĩnh vực công nghệ ở Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung trong tương lai. Anh Lương Ngọc Khánh - Solution Consultant tại FPT Smart Cloud đã có phần chia sẻ với cộng đồng GenZ làm IT. Cùng lắng nghe những chia sẻ của anh qua bài viết này. 1. Theo ngành AI có phải là 1 sự lựa chọn tốt? Trí tuệ nhân tạo (AI) là 1 trong những xu hướng nổi bật hiện tại, bên cạnh Blockchain, Cloud, Big data. Sự bùng nổ về trí tuệ nhân tạo sẽ đem lại vô vàn cơ hội làm việc dành cho những bạn muốn tìm hiểu và đi sâu ở lĩnh vực này. Theo thời gian, những công nghệ mới sẽ dần định hình từ nền kinh tế, xã hội tới những thói quen, hoạt động của con người.  Bản thân mình đã được trải nghiệm nhiều vị trí, từ Business Analyst, Project Manager tới Solution Consultant,... Những ứng dụng dựa trên công nghệ AI triển khai cho doanh nghiệp như Chatbot, Voicebot, OCR hay eKYC có thể mang lại những giá trị lớn, giúp tối ưu hoá về hiệu quả hoạt động, tiết kiệm chi phí và nguồn lực cho doanh nghiệp, đồng thời tạo ra những nguồn doanh thu mới. Đối mặt với một ngành nghề mới và luôn thay đổi không ngừng, chắc chắn thời gian tiếp cận sẽ gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian. Vì vậy, không có cách nào khác ngoài việc không ngừng học hỏi, nghiên cứu, và phát triển bản thân để bản thân không tụt lùi với thời đại. Tuy khó nhằn nhưng cũng hết sức thú vị, nên đừng ngần ngại dấn thân các bạn nhé! 2. AI nhiều “màu” hơn các bạn nghĩ Khi làm AI, các bạn phải xác định được rằng ngành này có rất nhiều lĩnh vực, mỗi lĩnh vực lại có nhiều công nghệ khác nhau tạo thành. Mình thấy có một số công nghệ nổi bật được ứng dụng hiện nay như Natural Language Processing, Deep Learning, Reinforcement Learning, Speech to text, Text to speech, Computer Vision … trở thành nền tảng lõi cho các sản phẩm, giải pháp như chatbot, voicebot, OCR hay eKYC. Bản thân có 1 số gợi ý cho công việc dành cho IT trong lĩnh vực AI như: AI Engineer: nghiên cứu, phát triển các công nghệ AI theo từng lĩnh vực;  Platform Engineer: xây dựng các ứng dụng dựa trên công nghệ lõi AI  Software Engineer: phát triển front end, back end cho các ứng dụng,... Theo đuổi ngành AI, bạn sẽ thấy bản thân mình luôn được làm mới khi luôn phải học hỏi và trau dồi để bắt kịp xu thế công nghệ đang thay đổi hàng ngày. Vậy nên đối với các IT Fresher, Các bạn nên có một định hướng rõ ràng, “thinking out of the box” và quyết tâm kiên trì với định hướng của mình. 3. Mọi người đang đánh giá quá cao về ChatGPT? Ai theo dõi cập nhật tin tức thường xuyên thì không còn xa lạ với “cơn sốt” ChatGPT. Đây được coi là 1 sản phẩm đặt dấu ấn cho cuộc cách mạng về trí tuệ nhân tạo, có thể ứng dụng được rất nhiều trong việc hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp.  Sự xuất hiện của Chat GPT làm dấy lên nỗi lo khi hàng loạt các công ty công nghệ hàng đầu thế giới sa thải hàng loạt nhân viên. Đây cũng là điều dễ hiểu vì khi một công nghệ, sản phẩm mới xuất hiện, thì sẽ có 1 số ngành nghề bị thay thế, song nó cũng mở ra cơ hội cho những ngành nghề mới (Mà AI Engineer là 1 ví dụ điển hình) ^^ Tuy nhiên, con người luôn phát triển, vận động. Do đó, theo mình, cuộc Cách mạng công nghệ AI nói chung và ChatGPT nói riêng không thể thay thế hoàn toàn được con người. (Nhưng cũng đừng đánh giá thấp khả năng của máy móc, công nghệ nhé!)   [caption id="attachment_2991" align="aligncenter" width="300"] Source: vtv.vn[/caption] 4. AI và các cơ hội tìm kiếm phát triển Vậy, câu hỏi lớn nhất là, chúng ta sẽ tìm kiếm các cơ hội AI ở đâu? Theo mình, mọi người nên “đầu quân” về các công ty công nghệ lớn, các tập đoàn công nghệ - nơi có đủ tiềm lực để đầu tư và phát triển mảng AI. Hiện tại mình thấy có rất nhiều công ty phát triển về các giải pháp ứng dụng công nghệ AI, mang lại giá trị lớn cho doanh nghiệp (B2B) cũng như người dùng cá nhân (B2C). Điển hình có thể kể đến FPT Smart Cloud với FPT.AI, mang đến cho khách hàng doanh nghiệp những giải pháp Chatbot, Voicebot, Read, eKYC,... ứng dụng các công nghệ AI phổ biến hiện nay như Natural Language Processing, Speech To Text, Text To Speech, OCR,...  Ngoài ra cá nhân mình nhận thấy, FPT Smart Cloud đang là công ty dẫn đầu thị trường, với số lượng khách hàng lớn nhất trong lĩnh vực AI với những cái tên lớn như Vietcombank, BIDV, TPBank, FE Credit, Home Credit… Các bạn sinh viên, fresher có năng lực hoàn toàn có thể tới đây tìm kiếm cơ hội thực tập, việc làm chính thức với các vị trí nghiên cứu công nghệ, phát triển platform, phát triển phần mềm. 5. Kết luận  Đó là một số vấn đề mình nhìn nhận được được sau khoảng thời gian “trải nghiệm” với một ngành nghề hiện đang được nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ quan tâm. Hy vọng bài viết này đã mang đến cho mọi người 1 góc nhìn về AI. Mặc dù công việc này không dễ dàng nhưng những gì nhận lại thực rất tương xứng. Chúc các bạn thành công!  Tác giả: Lương Ngọc Khánh
20 tháng 02, 2023
Tại webinar chủ đề "ChatGPT và tiềm năng ứng dụng cho doanh nghiệp", các chuyên gia hàng đầu nhà F đã chỉ ra công nghệ đằng sau, ưu điểm, nhược điểm; điểm giống và khác nhau giữa ChatGPT và công cụ của các 'ông lớn' cũng như với chatbot FPT.AI. Webinar chủ đề "ChatGPT và tiềm năng ứng dụng cho doanh nghiệp" do FPT Smart Cloud tổ chức ngày 16/2 đã thu hút hơn 200 người F tham dự. Diễn giả "giải mã" cơn sốt ChatGPT là tiến sĩ Trần Thế Trung - viện trưởng Viện nghiên cứu FPT, phó giám đốc Trung tâm sản phẩm AI - FPT Smart Cloud và PGS.TS Lê Hồng Phương - chuyên gia về xử lý ngôn ngữ tự nhiên và học máy thống kê. Theo ban tổ chức, thành công của chương trình là tiền đề để FPT Smart Cloud tiếp tục tổ chức thêm nhiều sự kiện tương tự trong năm 2023. Tổng quan về ChatGPT và công nghệ phía sau Giới thiệu tổng quan về ChatGPT, tiến sĩ Trần Thế Trung cho biết đây là một chatbot dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) và học tăng cường với phản hồi của con người (RLHF), hiện đang đứng thứ 6 trên 8 cấp độ chatbot xét theo 6 tiêu chí: hiểu ngôn ngữ con người (về tiêu chí này, ChatGPT có thể hiểu và trả lời đa lĩnh vực, trong khi một số loại chatbot khác chỉ giao tiếp trong một lĩnh vực), nhớ văn cảnh (nhớ đầu vào trước đó, cho phép người dùng theo dõi cuộc trò chuyện hay sửa chữa), tuân thủ phép lịch sự (như từ chối câu hỏi không phù hợp), độ chính xác và hiểu biết, độ tự nhiên và thuyết phục, lý luận logic và khả năng tự học. Các chatbot trước thời ChatGPT chưa thể làm nên ảnh hưởng trong xã hội vì đầu ra khó kiểm soát, độ tự nhiên chưa cao, ra kết quả biến động… ChatGPT có khả năng kiểm soát tốt hơn, học tăng cường với phản hồi con người và đã nhận phản hồi tích cực của xã hội. Nhiều vấn đề còn tồn tại sẽ có thể được giải quyết tiếp ở mức độ phát triển tiếp theo. [caption id="attachment_2922" align="aligncenter" width="1200"] Webinar chủ đề “ChatGPT và tiềm năng ứng dụng cho doanh nghiệp” do FPT Smart Cloud tổ chức[/caption] Theo chuyên gia FPT Smart Cloud, ưu điểm của ChatGPT là độ tự nhiên, nhờ mô hình sinh ngôn ngữ học từ dữ liệu giao tiếp của người; ChatGPT cũng lưu được văn cảnh dài, tăng khả năng giao tiếp văn cảnh và học dữ liệu lớn từ nhiều lĩnh vực, tăng khả năng giao tiếp đa lĩnh vực. Với mô hình lớn, ChatGPT có đặc tính như General AI (Trí tuệ nhân tạo tổng hợp) và là cách mạng nhất định trong ngành nghiên cứu và phát triển sản phẩm chatbot. Nhược điểm của ChatGPT là thông tin cung cấp có thể không chính xác, yếu trong thực thi lập luận logic, khó tích hợp nghiệp vụ, không triển khai on-premise (hỗ trợ lưu trữ dữ liệu tại chỗ, vì hạ tầng cực lớn nên chủ yếu dùng Cloud), và có thể không đáp ứng bảo mật thông tin và quyền riêng tư. Theo đó, mục tiêu ban đầu của OpenAI khi cho ra mắt ChatGPT ban đầu là lấy thêm phản hồi để chatbot có thêm dữ liệu học, sau nhiều thất bại liên tiếp xảy ra và tất cả hành động sử dụng để kiểm soát chất lượng thông tin đều chưa đạt được kỳ vọng. Việc tạo nên cơn sốt và nhận phản hồi tích cực của người dùng là một điều bất ngờ với đội ngũ. Về tích hợp nghiệp vụ, chuyên gia nhà F cho biết một ông lớn công nghệ đang rất cố gắng đưa thêm kỹ thuật khác nhau vào nền tảng phục vụ doanh nghiệp đang có sẵn và có thể phục vụ ChatGPT cho doanh nghiệp. Tại webinar, các diễn giả cũng đã giới thiệu về công nghệ và sơ lược về kiến trúc máy học ChatGPT. Giải thích về 4 mô hình trong xử lý ngôn ngữ tự nhiên, TS Trần Thế Trung cho biết mỗi năm kích thước mô hình có thể tăng gấp 10 và theo quy luật, trong tương lai, số lượng kết nối giữa 2 nơ-ron (tham số) sẽ lớn gần bằng và có thể vượt qua đầu người. Về học tăng cường với phản hồi của con người (RLHF), OpenAI triển khai theo hình thức "reward learning" (phần thưởng học tập), vì thế mục tiêu không phải là thông tin chính xác mà làm hài lòng người dùng (thông tin có vẻ thuyết phục, tự nhiên nhưng chưa chắc chính xác). Phương pháp cơ bản làm ra ChatGPT là: đầu vào từ mô hình ngôn ngữ tự nhiên lớn GPT 3.5; cho học, giám sát tinh chỉnh lại cho những cặp câu hỏi và câu trả lời, chuỗi giao tiếp trên đoạn hội thoại; cho học tăng cường tiếp từ phản hồi nếu chưa đủ tốt. Tiềm năng ứng dụng ChatGPT trong doanh nghiệp Về ứng dụng ChatGPT trong doanh nghiệp, các diễn giả cho rằng ChatGPT phù hợp cho các tác vụ không đòi hỏi thông tin chính xác ngay lập tức, được xem lại bởi chuyên gia và không đòi hỏi bảo mật nghiêm ngặt, như: trò chuyện giải trí; học ngôn ngữ; tạo nội dung bán tự động dưới sự giám sát của chuyên gia (marketing, SEO), hỏi đáp về nội dung, tin tức, kiếm thức bách khoa toàn thư; lập trình và coding bán tự động; quy trình đọc hiểu trích xuất tài liệu và tóm tắt văn bản bán tự động; dịch thuật bán tự động; hỗ trợ soạn thảo văn phòng. Sau phần trình bày, có nhiều câu hỏi đã được người FPT đặt ra và được giải đáp bởi các chuyên gia. Đáng chú ý, trả lời câu hỏi liên hệ giữa FPT.AI và ChatGPT, TS Trần Thế Trung cho biết FPT.AI hướng vào nghiệp vụ doanh nghiệp ngay từ đầu, nếu so sánh thì các chatbot FPT.AI sẽ hẹp hơn và không đa lĩnh vực như ChatGPT, văn phong cũng bó hẹp theo yêu cầu của khách hàng chứ không cho linh hoạt tự nhiên. “Mục đích sử dụng khác nhau dẫn đến đầu ra khác nhau” - anh nhấn mạnh. Chuyên gia FPT Smart Cloud cũng chia sẻ có thể sắp tới khi Microsoft quyết định tích hợp ChatGPT cho doanh nghiệp - sẽ tiến gần tới định hướng chatbot của FPT.AI, chatbot nhà F sẽ phải tiến hóa, học hỏi kỹ thuật tiên tiến để thực hiện một số tác vụ, và có thể sẽ tạo mô hình ngôn ngữ lớn cho tiếng Việt. Trả lời câu hỏi về khả năng áp dụng ChatGPT vào FPT, các diễn giả bày tỏ chưa hình dung rõ ChatGPT có thể dùng như thế nào trong FPT, đang có sự bàn luận xung quanh việc dịch vụ này có thể được sử dụng để hỗ trợ tự động hoá đọc các văn bản, tuy nhiên GPT có mô hình lớn, cồng kềnh, chi phí cao và tốc độ chậm nên có thể dùng phiên bản nội bộ FPT sẽ tốt hơn. Về nguy cơ nhân sự các ngành nghề bị thay thế, chuyên gia FCI nhận định ngành có thể bị thay thế hay giảm việc làm ngay lập tức là ngành viết nội dung nhưng không đòi hỏi sáng tạo sâu sắc như bài viết giáo khoa. Cạnh đó, ngành tư vấn tâm lý hay luật sư có thể bị ảnh hưởng do máy bán tự động làm. Trả lời câu hỏi so sánh ChatGPT với Siri của Apple hay Google, các diễn giả cho biết Siri có nhiệm vụ phải thực thi đúng chính xác hoàn toàn yêu cầu người dùng, không được sai, còn ChatGPT được thiết kế theo phương án khác, mục tiêu làm hài lòng khách hàng hơn là để phục vụ nhiệm vụ cụ thể cần 100% chính xác. Trong khi đó, Google không đưa ra câu trả lời ngay mà đưa ra danh sách lựa chọn để người dùng tiếp tục tìm kiếm tiếp. Một số chuyên gia, lãnh đạo khác cũng đã đưa ra nhận định xung quanh "cơn sốt" ChatGPT và về trí tuệ nhân tạo nói chung. Theo anh Ngô Hải Hùng - Giám đốc dữ liệu ban chuyển đổi số Synnex FPT, con người nếu quá phụ thuộc vào ChatGPT có thể đánh mất tính chủ động trong việc giải quyết vấn đề và khả năng sáng tạo nội dung.”Nếu ChatGPT trở lên phổ biến toàn cầu với hàng tỷ người dùng thường xuyên thì có thể là một sai lầm. Chúng ta hãy cùng chờ đợi bước đi tiếp theo của OpenAI, công ty trí tuệ nhân tạo sở hữu ChatGPT” - anh nói. Anh Lê Viết Thanh - PGĐ Trung tâm dữ liệu FPT IS, trong một cuộc phỏng vấn với VTV4, cũng đề cập tới những rủi ro trong quá trình sử dụng AI như: nhận thông tin và lời khuyên sai, phát tán thông tin giả, bị lộ thông tin người dùng... qua đó, đề xuất chính quyền cần xây dựng nhiều chế tài nhằm giảm thiểu và ngăn chặn việc sử dụng AI sai mục đích. Xuất hiện trong chương trình Thời sự của Truyền hình Quốc hội gần đây, Chủ tịch Hoàng Nam Tiến cũng đã có những chia sẻ về ChatGPT. Anh cho biết FPT có gần 3.000 bot đang hoạt động ở các doanh nghiệp, có tính hiệu quả cao, giống ChatGPT ở chỗ cũng trao đổi, trả lời nhưng luôn định hướng mục tiêu. "Những ai cho rằng máy không có cảm xúc hãy cẩn thận. Các thuật toán trí tuệ nhân tạo hiện nay có thể mô tả cảm xúc giỏi” - anh nói. Đặc biệt, trí tuệ nhân tạo có khả năng học cực nhanh và nguồn dữ liệu không giới hạn, các bạn trẻ có thể sẽ có sự lựa chọn vô cùng khó khăn. Nhưng cũng nhờ vậy con người nhờ vậy sẽ tồn tại phát triển hơn dù ChatGPT hay trí tuệ nhân tạo phát triển đến đâu.
20 tháng 02, 2023
FPT Smart Cloud công bố chương trình hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, tập trung vào việc hỗ trợ các công ty start-up từ ngày 17/2/2023. Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ở nhiều giai đoạn khác nhau nhằm biến mọi doanh nghiệp thành doanh nghiệp số. Chương trình của FPT Smart Cloud mang tên “Tăng tốc khởi nghiệp” với 03 gói hỗ trợ về: Gói giải pháp “Bứt phá” với các công nghệ tiên tiến từ FPT Cloud, FPT.AI và hệ sinh thái FPT; Gói giải pháp “Tăng năng suất” khai thác các ứng dụng, dịch vụ từ Microsoft 365, Google Workspace và các đối tác khác của FPT trên toàn cầu; Gói giải pháp “Chuyên gia” đồng hành và tư vấn riêng chuyên sâu… dành cho các start-up công nghệ đã có sản phẩm và mong muốn tiến ra thị trường quốc tế. Đây là chương trình được thiết kế riêng, giúp các nhà khởi nghiệp, vận hành và phát triển doanh nghiệp bằng cách khai thác tối đa các ưu thế từ công nghệ cùng nguồn tài nguyên sẵn có về nguồn lực, mạng lưới kết nối toàn cầu của Tập đoàn lớn như FPT. Với gói giải pháp “Bứt phá”, FPT Smart Cloud hỗ trợ start-up xây dựng, triển khai các ứng dụng và sản phẩm trên nền tảng điện toán đám mây FPT Cloud, với mức hỗ trợ lên tới một tỷ đồng trong năm đầu tiên. Chiết khấu 50% giá trị dịch vụ FPT Cloud Server, FPT Object Storage hoặc FPT Kubernetes Engine và miễn phí sử dụng một số tính năng cao cấp như FPT Cloud Autoscale, FPT IAM, FPT Cloud Guard, FPT Monitoring trong năm tiếp theo. Mở ra cơ hội không giới hạn, giúp doanh nghiệp xây dựng hạ tầng vững mạnh, hoạt động ổn định mọi lúc mọi nơi, tăng tốc mở rộng và đáp ứng quy mô doanh nghiệp trong những giai đoạn đột biến, nhờ Cloud & AI – những công nghệ chủ đạo dẫn dắt sự phát triển toàn cầu. Ngoài hưởng lợi trực tiếp từ hệ sinh thái giải pháp chuyển đổi số toàn diện của FPT, các start-up Việt có cơ hội tiếp cận với những giải pháp nâng cao năng suất lao động vượt trội như Microsoft 365 và Google Workspace cùng hơn 30 đối tác quốc tế khác thông qua Gói giải pháp “Tăng năng suất”. Cụ thể, FPT Smart Cloud hỗ trợ doanh nghiệp trẻ tiếp cận với các giải pháp, ứng dụng hiện đại và tiên tiến từ Microsoft 365 và Google Workspace, với mức ưu đãi 10% giá trị dịch vụ, 50% chi phí tư vấn và chuyển đổi hệ thống, miễn phí các ứng dụng số hóa quản trị doanh nghiệp. Các gói hỗ trợ này giúp doanh nghiệp tối ưu quy trình quản trị; vận hành doanh nghiệp mọi lúc mọi nơi; và tạo nên đột phá trong hiệu quả kinh doanh. Đặc biệt, các chuyên gia, các nhà quản lý sản phẩm, cố vấn đầu ngành từ FPT và các công ty công nghệ hàng đầu thế giới sẽ song hành cùng doanh nghiệp thông qua các chương trình đào tạo chuyên sâu, tư vấn xây dựng lộ trình riêng cụ thể (1:1) cũng như hỗ trợ triển khai trên suốt hành trình. “Chú trọng đầu tư vào các ý tưởng mang tính đột phá, táo bạo là điều luôn được FPT Smart Cloud ưu tiên. Chúng tôi mong muốn trở thành “bệ phóng” cho các kỳ lân Việt nhờ những lợi thế và đột phá bằng công nghệ, cùng những kinh nghiệm quý giá khi tiên phong khởi nghiệp trong lòng doanh nghiệp” - Ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Tổng giám đốc FPT Smart Cloud chia sẻ. [caption id="attachment_2910" align="aligncenter" width="640"] FPT Smart Cloud chia sẻ tại diễn đàn Start-up Việt 2022 [/caption] Chia sẻ tại Diễn đàn Starup Việt 2022, đại diện FPT Smart Cloud từng khẳng định khởi nghiệp sáng tạo luôn đi cùng rủi ro, để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần một hệ sinh thái tương đối hoàn chỉnh. Đối với startup, vận dụng công nghệ để tìm ra một mô hình kinh doanh đột phá là chính là yếu tố then chốt, bên cạnh hiện thực hóa những ý tưởng sáng tạo. Chương trình “Tăng tốc khởi nghiệp” nằm trong chiến lược hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam của FPT Smart Cloud, nhằm khẳng định vai trò và năng lực công nghệ của doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực AI & Cloud, phục vụ các khách hàng doanh nghiệp trên 27 quốc gia toàn cầu.
13 tháng 02, 2023
Anh Vũ Văn Trưởng - Chuyên gia Nghiên cứu Phát triển Giải pháp, FPT Smart Cloud, bật mí về những vấn đề doanh nghiệp thường gặp khi triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu trên môi trường truyền thống, ưu điểm vượt trội khi dịch chuyển lên Cloud và kinh nghiệm thực tế khi chuyển đổi hệ thống từ lên FPT Cloud.

Đăng ký theo dõi ngay!

Đừng bỏ lỡ các thông tin mới nhất về các sản phẩm và dịch vụ của chúng tôi!
Đăng ký ngay