CEO FPT Smart Cloud Lê Hồng Việt đã làm rõ dịch vụ, bài toán AI mà đơn vị đã, đang giải và định hướng tương lai tại Techtalks#1.
"ChatGPT đang thay đổi chính công việc của chúng tôi. Vậy chúng ta cần làm gì trong bối cảnh ChatGPT hoành hành khắp mọi nơi trên thế giới?” - anh Lê Hồng Việt, Tổng Giám đốc FPT Smart Cloud mở đầu phần trình bày tại Techtalks số 1 năm 2023.
Theo anh Việt, việc phát triển AI ở FPT diễn ra rất sớm. Từ năm 2013, FPT đã bắt đầu nghiên cứu và xây dựng giải pháp liên quan đến ngôn ngữ, giọng nói, các mô hình để hiểu và xử lý ngôn ngữ tự nhiên - thứ dễ tiếp cận nhất và có nhiều dữ liệu nhất từ báo chí, tài liệu...
Theo anh Việt, lĩnh vực nghiên cứu AI chia làm 2 loại: xử lý ngôn ngữ tự nhiên và xử lý dữ liệu từ các máy móc (tuy nhiên Việt Nam không mạnh về mảng này). Đến năm 2015, FPT tiến thêm một bước khi tham gia xây dựng Recommendation system (hệ thống gợi ý). Năm 2016, FPT.AI thực hiện xử lý ảnh và các phát hiện bất thường (irregular detection) trong một hoạt động. Thời gian này, các hoạt động chỉ đơn thuần mang tính chất nghiên cứu.
Phải đến năm 2017, FPT mới tập trung đưa ra một ứng dụng nhằm áp dụng AI vào cuộc sống của mình. Nền tảng FPT.AI đưa ra đầu tiên vào năm 2017 chính là FPT.AI Chat. Lúc đó, người FPT có mong muốn tất cả các kênh chat trên mạng xã hội và các tin nhắn đều chat với máy.
"Thời điểm đó, FPT mạnh dạn đặt ra mục tiêu đứng đầu Việt Nam ở lĩnh vực AI về tiếng Việt, nhưng khách hàng đầu tiên lại là một đơn vị sử dụng tiếng Anh ở Singapore. Đôi khi như lời Chủ tịch Trương Gia Bình đã nói là cuộc đời đưa đẩy. Bắt đầu từ Singapore nhưng sau đó chúng tôi lại trở về Việt Nam", anh Lê Hồng Việt tâm sự.
[caption id="attachment_3043" align="aligncenter" width="1200"] CEO FPT Smart Cloud Lê Hồng Việt trình bày tại Techtalks#1.[/caption]
Đến nay, FPT.AI Chat vẫn luôn là sản phẩm chủ lực - sản phẩm flagship khi khách hàng nhắc đến FPT.AI. Tuy lợi nhuận thu được từ đây cũng không cao, khi nhận định FPT.AI có thực sự tốt và thông minh không, khách hàng sẽ đánh giá hệ thống chat đầu tiên. Vì vậy, nhà F đã đầu tư rất nhiều vào lĩnh vực này.
Năm 2018, sau khi vẫn loay hoay với hệ thống FPT.AI Chat nhưng lợi nhuận thấp, FPT quyết định đầu tư thêm về FPT.AI Engage. Với hệ thống Voice Bot, con người vẫn trò chuyện với máy nhưng qua kênh thoại. Từ nhu cầu của khách hàng đầu tiên, đơn vị mạnh dạn nhận thầu khi FPT.AI đã có chat, AI nhận diện giọng nói...
Vì vậy, chỉ sau 6 tháng phát triển, FPT.AI đã đánh bại 2 đối thủ trong đó có Nuance Communications - một công ty công nghệ thoại cung cấp công cụ nhận dạng giọng nói của Siri trên iPhone. Trong 6 tháng tiếp theo, FPT.AI đã triển khai thành công, đưa vào vận hành với khối lượng công việc mà khách hàng dự kiến cần đến 18 tháng để hoàn thành. Anh Trần Thế Trung - Giám đốc Khoa học FPT.AI FPT Smart Cloud là người trực tiếp thực hiện dự án này.
Năm 2019, FPT.AI đưa ra thêm FPT.AI Read (trích xuất chính xác nội dung từ ảnh chụp mẫu văn bản có sẵn) và FPT. AI eKYC (định danh khách hàng số). Đến năm 2021, đơn vị thay đổi tên toàn bộ sản phẩm. Không còn chỉ đơn thuần chat, voice vô tri vô giác, các tên gọi như FPT.AI Engage, FPT.AI Enhance, FPT Understand thể hiện sự cam kết với khách hàng bằng AI giúp tạo ra sự tương tác, thấu hiểu, cá nhân hóa khách hàng, thấu hiểu lĩnh vực và bối cảnh.
"Ví dụ, khi nhân viên FPT Telecom hỗ trợ khách hàng, FPT.AI Enhance sẽ giúp họ phát hiện ra đâu là điểm mình cần cải thiện và khách hàng không hài lòng. Tất cả sẽ được FPT.AI Enhance cảnh báo. Hy vọng đây sẽ là sản phẩm chủ lực tiếp theo của FPT.AI. Hiện tại đã có nhiều khách hàng đánh giá cao khi sử dụng thử nghiệm sản phẩm".
Một sản phẩm khác rất được chú ý là FPT.AI Understand - nhằm chứng minh cho khách hàng thấy FPT.AI hiểu lĩnh vực và bối cảnh. Ví dụ, hệ thống thực hiện các cuộc hỗ trợ bán hàng từ xa sử dụng AI. FPT.AI có thể giúp phân loại tệp khách hàng và thuyết phục họ chi trong khả năng chi trả của mình.
Từ những dữ liệu có được, FPT.AI Understand có thể tạo nên nhiều đồ thị liên kết với nhau, tựa như một hệ thống nhưng được điều khiển bởi con người, thậm chí còn có thể tự học. Đây là điểm khác biệt lớn so với Chat GPT.
ChatGPT không trả lời được sự thật, nhiều câu trả lời không chính xác. Còn FPT.AI Understand đảm bảo sự chính xác trong từng câu trả lời. Khi làm việc với một ngân hàng lớn hàng đầu Việt Nam, họ kiểm soát đến từng câu từng chữ. Như khi so sánh sản phẩm, nếu chúng ta vô tình đưa tên một sản phẩm khác của đối thủ vào, chắc chắn sẽ bị "tuýt còi".
Hay trợ lý ảo cũng được áp dụng nhiều trong FPT, phục vụ tự động hóa ở FPT Telecom, FPT Shop và FPT Long Châu. "Chúng tôi đang hợp tác với FPT Long Châu để viết những bài thuốc, cách phòng chống bệnh tật với độ chính xác gần như tuyệt đối và ngành dược là lĩnh vực không thể đùa được" - anh nói và nhấn mạnh sự khác nhau khi phục vụ doanh nghiệp và phục vụ công chúng.
Một số thành tựu đạt được của FPT.AI đến nay, như: 20 khách hàng đang sử dụng dịch vụ (chủ yếu là ngân hàng, công ty tài chính, bảo hiểm. FPT.AI đang hỗ trợ khoảng 120 triệu lượt tương tác/tháng.
"Trong năm 2023, FPT.AI sẽ tiếp tục đưa ra những sản phẩm mới, như FPT.AI Mentor giúp cải thiện mỗi nhân viên qua từng ngày. Hàng ngày, mentor sẽ hỏi nhân viên cần gì, hiểu kiến thức chính xác chưa... qua đó sẽ giúp hỗ trợ, tương tác, làm hộ nhằm tăng hiệu quả năng suất làm việc của nhân viên" - TGĐ FPT Smart Cloud thông tin tới người F.
Theo Chungta