Life at FPT Smart Cloud

21 tháng 02, 2023
Năm 2022, hai danh hiệu cao nhất là Hoa hậu FPT Smart Cloud và Top 100 FPT xướng tên Bùi Minh Tiền vì những thành tích, con số đạt được đã vượt xa mọi kế hoạch ban đầu. Gần 11 năm cống hiện tại FPT, “máu” trong anh vẫn luôn tràn đầy nhiệt huyết. Anh cùng đồng đội đã ngay lập tức thiết lập kế hoạch cho năm 2023, với mục tiêu tạo ra “cơn địa chấn” doanh số nghìn tỷ, trong một năm được dự đoán nhiều khó khăn, thách thức. 2022 là một năm nhiều thăng trầm, khi dư âm của đại dịch COVID-19 khiến tình hình lạm phát trở nên nghiêm trọng. Tâm lý và hành vi của khách hàng liên tục thay đổi tạo nên những khó khăn trong phương thức tiếp cận khách hàng. Bùi Minh Tiền luôn quan niệm rằng làm kinh doanh nhất là trong lĩnh vực Công nghệ không phải là câu chuyện ngắn hạn, tính theo tuần, theo tháng hay theo quý, cần có kế hoạch và tầm nhìn, phải đi trước đón đầu thị trường. Vì vậy, anh chú trọng xây dựng, thiết kế nền tảng kinh doanh dài hạn cho Cloud, đào tạo nguồn lực thiện chiến, định hướng cho đội ngũ phát triển và sẵn sàng bứt phá. Anh chia sẻ, thành tựu lớn nhất trong năm 2022 là chứng kiến sự phát triển lớn mạnh cả về “chất” và “lượng” của đội ngũ. Những nhân sự dày dạn kinh nghiệm “chinh chiến” trên thị trường, thuộc những công ty, tập đoàn lớn tại Việt Nam đã lựa chọn gia nhập FPT Smart Cloud. Đây là tiền đề vững chắc để Trung tâm Kinh doanh Cloud tăng tốc, chinh phục những mục tiêu đầy thách thức. Với khách hàng, anh luôn tâm niệm “thấu hiểu sâu sắc khách hàng và trở thành người đồng hành đáng tin cậy” là kim chỉ nam cho bất cứ “thương vụ bạc tỷ” nào. Chính sự tỉ mỉ, tận tâm, máu lửa trong công việc đã giúp Bùi Minh Tiền cùng đồng đội đạt 100% doanh số ký, đưa FPT Cloud đạt tăng trưởng gấp 3 lần và trở thành mảng dịch vụ tăng trưởng ấn tượng nhất của FPT Smart Cloud trong năm 2022. Nhắc đến Bùi Minh Tiền, chuyện “chuyển nghề” vẫn luôn là câu chuyện truyền cảm hứng về những bước ngoặt cuộc đời, và những nỗ lực của anh để biến lựa chọn ấy thành quyết định đúng đắn nhất. Ít ai biết rằng, trước khi đảm nhận vị trí Giám đốc Trung tâm Kinh doanh, anh Bùi Minh Tiền từng có chuyên môn nghiệp vụ về mảng kỹ thuật, làm việc tại vị trí kỹ sư hệ thống, thực hiện nghiên cứu chuyên sâu về các mảng lưu trữ dữ liệu, điện toán đám mây. Quyết định này ban đầu vấp phải phản đối từ nhiều người. Anh được khuyên nên tiếp tục phát triển bản thân với kiến thức và nền tảng kỹ thuật sẵn có. Bất chấp tất cả, Bùi Minh Tiền chuyển hướng sang Kinh doanh, bởi với anh, muốn trở thành chuyên gia ở một lĩnh vực nào đó, cần phải hiểu tất cả các khía cạnh xung quanh, từ đó mới có thể phát triển sản phẩm và tiếp tục nâng tầm bản thân. Chưa từng “kinh qua” mảng kinh doanh, kinh nghiệm gặp gỡ và thuyết phục khách hàng chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Tất cả hành trang khi ấy của anh Tiền là kiến thức về công nghệ và ý chí mạnh mẽ, sự đam mê và đầy lòng tâm. Anh chủ động quan sát, học hỏi từ đồng nghiệp, tích cực lăn xả và tự thân trải nghiệm.“Tập trung vào công việc của bản thân, không ngừng nỗ lực và học tập mỗi ngày, sớm hay muộn thành công sẽ đến”, chia sẻ từ anh Minh Tiền. Khi được hỏi về Bùi Minh Tiền, các đồng nghiệp luôn dành sự trân trọng cùng niềm tin tưởng với một người đồng nghiệp, người anh em, người sếp điềm đạm, chín chắn nhưng cũng hài hước, vui vẻ. Anh Nguyễn Khoa dành niềm tin và sự tự hào cho người đồng nghiệp đáng mến: “Các bạn trẻ sẽ thành công nếu học tập được cách Tiền đang xử lý kinh doanh và công việc”. “Tiền luôn đặt 100% năng lượng để theo đuổi mục tiêu, trăn trở cho những điều mới mẻ. Năng lượng tích cực đó đã lan toả sự hứng thú trong công việc đến mọi người, trong đó có mình. Giữ một vị trí nóng, với vai trò quan trọng nhưng Tiền vẫn gần gũi và khiêm tốn. Được làm việc với một người nhiệt huyết, chân thành, đáng tin cậy là may mắn của mình. Suy nghĩ về mục tiêu X3, cảm thấy máu lửa và nhẹ tênh”, chia sẻ từ anh La Hữu Phước. Còn với anh Trần Huy Vũ: “Trong suốt 8 năm làm việc cùng nhau, anh Tiền đã truyền đạt cho tôi rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm quý báu, giúp tôi phát triển nghề nghiệp của mình một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn. Anh ấy không chỉ là một người giỏi trong lĩnh vực của mình, mà còn có khả năng truyền đạt và hướng dẫn người khác phát triển kỹ năng và năng lực của mình. Điều này giúp tôi cảm thấy tự tin hơn trong công việc và luôn muốn tiếp tục học hỏi và phát triển”
22 tháng 12, 2022
Theo anh Nguyễn Ngọc Minh, startup có giá trị thực sẽ sống trong mọi hoàn cảnh, và mô hình kinh doanh mộng tưởng sẽ không bền trong giai đoạn này. Trong khuôn khổ Gala Startup Việt 2022, chiều 14/12, phiên thảo luận với chủ đề "Startup Việt và thách thức trong tương lai biến động" nóng dần với những phân tích sắc bén từ đại diện các doanh nghiệp. Các diễn giả là chuyên gia, lãnh đạo của FPT Smart Cloud, TopCV, OnusChain đã chỉ ra những cú sốc có thể đe dọa sự tồn tại của startup như bất ổn chính trị, suy thoái kinh tế, sự bùng nổ hay bão hòa bất chợt của công nghệ, từ đó tìm ra hướng đi bền vững trước thách thức. Startup cần "tìm cơ trong nguy" Anh Nguyễn Ngọc Minh - Phó tổng giám đốc FPT Smart Cloud đánh giá "mùa đông" dòng vốn khiến việc gọi vốn startup trở nên khó khăn hơn khi các nhà đầu tư trở nên dè dặt. Startup có thể sống tốt nếu xây dựng được giải pháp thiết thực, đáp ứng được các bài toán thực tiễn, có tác động đến xã hội. [caption id="attachment_2684" align="alignnone" width="1200"] Anh Nguyễn Ngọc Minh - Phó tổng giám đốc FPT Smart Cloud.[/caption] Đơn cử như trường hợp của FPT Smart Cloud, mới thành lập từ năm 2020 nhưng nhanh chóng xây dựng được vị thế trong ngành. Khi FPT Smart Cloud tham gia ngành tài chính ngân hàng - vốn đã là mảnh đất chật chội với rất nhiều bên chia "miếng bánh". Đơn vị cần tìm một hướng đi mới, xây dựng một giải pháp mới để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, ví dụ như sản phẩm hỗ trợ hợp nhất báo cáo tài chính công ty lớn, đáp ứng thị trường Việt Nam và được đón nhận. "Có những lĩnh vực tưởng chừng chật chội và không còn chỗ đứng nhưng chỉ cần startup có hướng đi riêng, giải quyết được các bài toán thực tiễn, tạo ra giá trị thật thì chắc chắn sẽ sống tốt", anh Minh nói. Anh Trần Trung Hiếu - Founder kiêm CEO TopCV Việt Nam lấy ví dụ về cú sốc Covid-19. Làn sóng dịch bệnh kéo dài 2 năm vừa qua đánh gục nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp. Dòng vốn vào thị trường năm 2021 có chiều hướng tăng. Tuy nhiên 2022 lại là một bài toán hoàn toàn khác. Đến năm nay, nền kinh tế thế giới và Việt Nam mới thực sự thấm đòn. Điều này dẫn đến "mùa đông" dòng vốn. Các cú sốc khác như xu hướng sa thải nhân viên công nghệ, sự sụp đổ của những startup lớn, bất ổn chính trị... cũng khiến việc khởi nghiệp ở thời điểm này trở nên bấp bênh. [caption id="attachment_2689" align="alignnone" width="1200"] Anh Trần Trung Hiếu - Founder kiêm CEO TopCV Việt Nam.[/caption] Tuy vậy, anh Hiếu cho rằng vẫn là thời điểm phù hợp để "tìm cơ trong nguy". Dẫn chứng bằng chính trường hợp của TopCV, vị này nói Covid-19 khiến lượng người dùng tăng vọt do nhu cầu tìm việc lớn. Mặc dù doanh thu không tăng, bù lại đơn vị xây dựng được hình ảnh trong mắt người dùng. "Chúng tôi không đặt mục tiêu gọi thật nhiều vốn, không yêu cầu tăng trưởng phi mã mà muốn làm điều bình thường trở nên xuất sắc, bền vững, nhất là với những mô hình kinh doanh lấy con nguời làm trọng tâm", vị CEO chia sẻ. Tối ưu dòng tiền, xây dựng sản phẩm tốt để tồn tại Giữa bối cảnh kinh tế khó khăn, các chuyên gia đều nhận định việc kêu gọi đầu tư không còn dễ dàng. Muốn thuyết phục nhà đầu tư rót vốn, trước hết bản thân doanh nghiệp khởi nghiệp phải chứng minh được tính hữu ích của sản phẩm. Startup phải mang về doanh thu nhất định thì khi trình bày mới nhà đầu tư mới dễ nhận được cái gật đầu. "Nhà đầu tư luôn nhìn vào startup để xem tiềm năng để ra được nhiều tiền. Startup chưa có doanh thu dễ bị ép giá khi gọi vốn. Họ cần tìm ra được mô hình kinh doanh ra tiền với nguồn lực tối ưu, doanh thu cao, chi phí thấp", CEO TopCV nhận định. [caption id="attachment_2690" align="alignnone" width="1200"] Dàn diễn giả chia sẻ tại Gala Startup Việt 2022.[/caption] Ông Trần Đức Bảo - CEO ONusChain, một doanh nghiệp blockchain cho rằng bài toán với startup là cần xây dựng sản phẩm hướng đến người dùng, công nghệ áp dụng nên thực tiễn. Các sản phẩm phải cố gắng trở nên đơn giản, dễ hiểu nhất trong từng câu chữ, từng tính năng để bất kể người dùng phổ thông nào cũng dùng được. Tiêu biểu cho sự đơn giản, dễ dùng có thể kể đến như Facebook, Instagram,... Việc xây dựng sản phẩm không hướng đến người dùng sẽ nhanh chóng dẫn đến thất bại. Ông Bảo chỉ ra trường hợp của rất nhiều startup về blockchain trong mảng GameFi. Họ tạo ra sản phẩm với mục tiêu gọi vốn mà không chú trọng vào tính năng, đồ họa, cốt truyện trong game. Sau thời gian đầu nổi lên, những startup này nhanh chóng lụi tàn khi người dùng rời bỏ. "Sau khi gọi vốn được vài triệu, thậm chí vài chục triệu USD, nhiều startup GameFi, NFT bị lãng quên vì xây dựng sản phẩm không hướng đến người dùng. Nếu xây dựng sản phẩm được đơn giản hóa, ai cũng hiểu sẽ là một thành công", ông Bảo chia sẻ. Kết thúc phiên thảo luận, các chuyên gia đúc rút những nguyên tắc sống còn với đơn vị khởi nghiệp trong bối cảnh thị trường nhiều biến động. Theo anh Nguyễn Ngọc Minh - Phó tổng giám đốc FPT Smart Cloud, trong nguy luôn có cơ. Giai đoạn qua tuy biến động mạnh nhưng nhiều đơn vị đã nhìn ra và khai thác nhiều cơ hội. "Startup có giá trị thực sẽ sống trong mọi hoàn cảnh. Nếu mô hình kinh doanh mộng tưởng thì sẽ không bền trong giai đoạn này", anh Minh kết luận. Starup Việt 2022 là sự kiện do báo VnExpress tổ chức, tìm kiếm những dự án khởi nghiệp tiềm năng. Năm nay, chương trình với chủ đề "Kỷ nguyên sáng tạo - The New Era of Innovation" sắp đi đến những chặng cuối cùng. 20 ứng viên có màn thể hiện xuất sắc bước vào Gala Startup Việt tại TP HCM, chiều 14/12. Top 5 vòng phỏng vấn sẽ được xướng tên và tham gia pitching (trình bày ý tưởng trước nhà đầu tư) ngay tại sân khấu. Bảy vị giám khảo, trong đó có 2 lãnh đạo nhà F là Chủ tịch Trương Gia Bình và CEO FPT Online Nguyễn Mạnh Cường cùng cựu sinh viên Đại học FPT - anh Nguyễn Thành Trung, Founder kiêm CEO Sky Mavis, cùng nhau chọn ra ý tưởng xuất sắc.
07 tháng 12, 2022
Retrospective trong Srum là gì? Họp Retrospective có những format nào? Tổ chức ra sao thì mới đạt được hiệu quả? Cùng tìm hiểu qua những chia sẻ từ các thành viên trong nhóm Scrum tại Trung tâm Phát triển Dịch vụ Phần mềm Cloud nhé! Sprint Retrospective là gì? Sprint Retrospective (hay còn gọi là họp cải tiến, họp rút kinh nghiệm) là một trong những sự kiện chính khi áp dụng Scrum, được diễn ra sau buổi Sprint Review, và trước buổi Planning. Sprint Retro là cơ hội để đội phát triển (Development Team) tự nhìn lại chính mình cũng như các sự kiện đã diễn ra trong Sprint và đưa ra được những phương án cải tiến nên thực hiện trong Sprint tiếp theo. Thực hiện các cải tiến này chính là thể hiện được mặt thanh tra và thích nghi của Scrum Team. Trong buổi Sprint Retro, nội dung mà team sẽ thảo luận luôn xoay quanh 3 câu hỏi: Những điều Team đã làm tốt trong Sprint? – Thường là những điều liên quan tới cách làm việc, sự tương tác, mối quan hệ giữa các thành viên trong team, hiệu suất đạt được, những tiến bộ đạt được ... (không phải các tasks đã được hoàn thành trong sprint) Những điều Team làm chưa tốt trong Sprint và nguyên nhân? Các action items cần được thực hiện để cải thiện những điều chưa tốt? Vì sao các team cần có Sprint Retrospective Meeting? Khi chưa từng làm hoạt động này, chắc bạn sẽ cần những lý do để bắt đầu. Không chỉ thế, rất nhiều team ban đầu thực hiện đều đặn các buổi Retrospective nhưng lâu dần thấy chán và không tiếp tục làm nữa. Đó là lúc cần quay về ý nghĩa và giá trị mà các buổi Retrospective meeting đem lại. Nếu không có cải tiến, bạn sẽ nhận thấy rằng nhóm sẽ tiếp tục gặp phải những lỗi giống nhau. Mục đích chính của Sprint Retro là tìm ra lối đi cho team trong việc nâng cao chất lượng và sự hiệu quả trong công việc. Điểm qua những ý nghĩa thiết thực, không thể chối cãi của các buổi họp mà tất cả đội nhóm cùng thực hiện reflection với nhau trong buổi họp Retrospective. Tạo ra không gian an toàn cho các thành viên chia sẻ những feedback, quan điểm cá nhân về công việc và hiện trạng của nhóm; Tại đây team có cơ hội tuyên dương, khích lệ các cá nhân, cùng nhau tận hưởng những thành quả đã đạt được; Team cũng có thể cho ra được 1 danh sách những hành động cần làm, kèm theo owner để giúp Sprint sau hoạt động mượt mà hơn; Những sự thay đổi nhỏ, qua từng tuần sẽ tích lũy tạo nên những cải tiến đột phá; Những ý kiến với góc nhìn và quan điểm khác nhau đều được đưa ra thảo luận, giúp các thành viên cảm thấy được lắng nghe và tôn trọng. Làm thế nào để tổ chức Sprint Retrospective? Dưới đây là những yếu tố cần quan tâm và cách thức phổ biến để tổ chức một buổi Sprint Retrospective 1. Ai sẽ tham gia vào buổi Sprint Retrospective Đội phát triển, Scrum Master đều là thành phần bắt buộc tham gia Sprint Retrospective. Product Owner nên tham gia cùng để đưa ra những góc nhìn cải tiến mối quan hệ cộng tác giữa PO và đội phát triển. Product Owner hoàn toàn có thể tham gia cùng đội phát triển trong buổi họp Retro với mong muốn hiểu thêm về sự phức tạp trong công việc hoặc các vướng mắc mà đội đang gặp phải. Còn Scrum Master tham gia với vai trò chính là khích lệ, động viên team đưa ra những cải tiến cho quy trình, công cụ, và cả những cải tiến về practices nhằm tăng cường mối quan hệ cộng tác, teamwork của team tự chủ. Buổi Sprint retrospective không chỉ quan tâm nhìn nhận và cải tiến quy trình, công cụ mà nó còn hướng đến con người và mối quan hệ. 2. Thời lượng của buổi Retrospective Retrospective chỉ nên kéo dài tối đa 3 tiếng đối với Sprint có độ dài 1 tháng. Sprint ngắn hơn thì thời lượng họp Retrospective sẽ ngắn hơn. Với Sprint 1 tuần thì Retro chỉ nên tối đa khoảng 45'. 3. Cách tổ chức một buổi Retro Một buổi retrospective thường được tiến hành theo 5 bước sau: Bước 1: Setting the stage – thiết lập bối cảnh, trạng thái bắt đầu cho buổi Sprint Retrospective Bước 2: Gather Data – Thu thập dữ liệu Bước 3: Generate Insight – Xác định vấn đề thực sự cần giải quyết Bước 4: Decide what to do – Xác định hành động cải tiến Bước 5: Close retrospective – Kết thúc phiên họp Tham khảo chi tiết tại: https://www.retrium.com/ultimate-guide-to-agile-retrospectives/five-phases-of-a-successful-retrospective Các format tổ chức Retrospective phổ biến Tham khảo chi tiết tại: FunRetrospectives | Have fun, learn from the past and prepare for the future! Ở Trung tâm Phát triển Dịch vụ Phần mềm Cloud (BSS), chúng mình thực hiện Retrospective như thế nào? Để tổ chức một buổi Retro hiệu quả, chúng mình thường sử dụng công thức: “Great Agile Retrospective = Warm-up/Check in + Format Fun Retro + Check-out” Warm-up/Check in: Hoạt động Warm Up/Checkin giúp thúc đẩy tinh thần của các thành viên, khiến team hứng khởi hơn và sẵn sàng “cởi mở” hơn cho các hoạt động "cân não" ở phía sau. Hoạt động này tuy bé nhỏ nhưng lại có tác động đến tính hiệu quả của buổi Retro rất nhiều! [caption id="attachment_2516" align="aligncenter" width="835"] Các thành viên BSS check-in bằng việc bày tỏ cảm xúc cá nhân trước buổi Retro[/caption] Format Fun Retro: Tương tự, phần chính của mọi buổi Retro là thảo luận nhóm, tổ chức thu thập thông tin, tìm insights và đưa ra hành động. Đây luôn phần cân não nhất của mọi buổi Retro, do đó thỉnh thoảng bạn cũng nên thử đổi mới các hình thức họp bàn khác nhau, tránh sự nhàm chán cho các thành viên khi sử dụng một hình thức quá nhiều. Check-out: Check-out hệt như món tráng miệng của 1 bữa ăn. Sau một hồi thưởng thức các món nhiều vị, lúc này 1 món tráng miệng có vị ngọt sẽ giúp bạn đổi vị cũng như kết thúc cơn đói. Hãy coi Check-out như 1 món ăn ngòn ngọt để đổi vị sau một hồi cân não. Cùng nhau tổng kết, reflect về hoạt động vừa diễn ra hoặc đánh giá hiệu quả của tổng thể buổi Retro là những hoạt động Check-out nhanh gọn thường thấy. [caption id="attachment_2518" align="aligncenter" width="754"] Buổi Retro thường được kết thức với hoạt động Check-out quen thuộc[/caption] Trên thực tế, hoạt động cải tiến rút kinh nghiệm là một trong những hoạt động khó điều phối nhất. Đặc biệt là khi trong team có toàn các anh em developer, tối ngày chỉ quan tâm đến những dòng code khô khan, ngại chia sẻ những điều “thầm kín”. Chúng mình nhận thấy rằng, hoạt động này đòi hỏi các thành viên cần có ý thức về bản thân (self-awareness) tốt. Thậm chí, team cũng cần có những người có trí thông minh cảm xúc (EQ) tốt để dẫn dắt, điều phối được hiệu quả. Bài học rút ra từ kinh nghiệm thực tiễn? Sau một thời gian thử nghiệm các cách thức Retrospective khác nhau, cùng với đó là việc tham khảo học hỏi practice trên từ nhiều nguồn, chúng mình cũng đã lượm lặt được một vài bài học thú vị. Mong là chúng sẽ hữu ích với buổi họp cải tiến của các team khác. 1. Thẳng thắn chia sẻ vướng mắc trong daily meeting giúp team có action cải tiến luôn Chị ChiNT30, PO phụ trách Admin Portal chia sẻ: “Một điểm hay của team chị là mọi người sẽ nêu luôn các vướng mắc trong buổi daily stand-up meeting và sau đó cũng nhau tìm phương hướng giải quyết ngày lập tức. Những khoảnh khắc “daily retrospective” như vậy giúp team thích ứng và có solution sửa chữa được những vấn đề tồn đọng một cách nhanh chóng, chứ không phải đợi đến buổi retro cuối sprint mới phát hiện và xử lý”. 2. Sprint Retrospective nên đề ra cải tiến nhỏ có tính thực tiễn, và hành động được luôn Có câu nói: “Small changes have a big impact than good idea that never happen.” Ý nói rằng những thay đổi nhỏ sẽ có tác động lớn hơn là những ý tưởng chẳng bao giờ được thực hiện.  Đây cũng là một bài học mà anh Chiến - Giám đốc trung tâm đã chia sẻ. Theo anh, team nên rút ra các ý tưởng cải tiến nhỏ trong phạm vi 01 Sprint. Nhỏ ở đây hiểu là có tính thực thi, và hành động được luôn trong Sprint sau. Chứ không phải là những ý tưởng cải tiến to và thiếu tính thực thi, chỉ là nói xuông. 3. Cần follow-up action cải tiến và chọn owner để đảm bảo chúng diễn ra Đây tiếp tục là một kinh nghiệm nữa được anh Chiến rút ra sau một quá trình thực hành Sprint Retrospective ở nhiều team tự chủ khác nhau. Team có sự trao đổi, đúc kết được những bài học kinh nghiệm quý báu, và đề ra được các hành động cải tiến là rất tốt. Nhưng quan trọng hơn là sau đó action plan thế nào? Các hành động này có đi vào thực tế, trở thành thứ team làm hàng ngày hay không? Để đảm bảo các ý tưởng cải tiến thành hiện thực, chúng mình luôn đưa các cải tiến này thành những task trên Sprint Backlog và theo dõi trên Jira. Scrum Master sẽ là người sẽ nhắc nhở, keep track, đảm bảo các thành viên khác thực hiện như những gì đã thảo luận ở trong buổi họp Retrospective. 4. Linh động thay đổi format để khớp với tính chất công việc hoặc của buổi Retrospective. Để giúp cho các buổi Retrospective không bị nhàm chán, hãy thử linh hoạt thay đổi các phương thức điều phối, dẫn dắt buổi Retrospective meeting. Tại BSS, chúng mình thường sử dụng format Good – Bad – Better cho buổi họp Retrospective của Sprint hai tuần. Cùng với việc Check-in, format này giúp chúng mình khám phá tâm trạng và cảm xúc của nhau, giúp các thành viên hiểu nhau hơn và tìm ra cải tiến giúp mọi người không chỉ làm việc hiệu quả mà còn trở nên hạnh phúc hơn. Cùng tùy vào tính chất công việc và sự yêu thích của các thành viên mà team sẽ đi đến quyết định gắn bó dài lâu hơn với 1 format nào đó. 5. Đưa Retrospective thành cuộc họp online khi working remote Hiện tại team BSS đang làm việc với các thành viên ở cả VP Hà Nội và HCM. Và để các thành viên đồng bộ với nhau, chúng mình đã đưa các cuộc họp này lên nền tảng online. Ngoài ra, chúng mình còn sử dụng thêm công cụ Whiteboard - để các thành viên ghi lại các ý kiến dạng post-it-note Hơn nữa, đây là công cụ có sẵn trong bộ MS365 nên sẽ không giới hạn về mặt bản quyền và hoàn toàn free khi áp dụng cho đội nhóm. 6. Nếu có những thành viên không lên tiếng trong buổi Retro này thì sao? Đừng quá lo lắng nếu trong team có một số thành viên chưa sẵn sàng cho việc “cởi mở” và đưa ra ý kiến của mình, Scrum Master sẽ luôn là người chủ động giúp mọi người tháo gỡ những nút thắt đó. 😊 Hy vọng rằng với những nội dung được chia sẻ, bạn sẽ có thêm một vài ý tưởng cho việc tổ chức Retro tại team mình. Nếu bạn có ý kiến đóng góp thêm muốn chia sẻ về cách thức thực hành của team bạn, đừng ngần ngại và chia sẻ thêm với chúng mình nhé. Chúc các bạn tổ chức được những buổi Retrospective đầy hứng khởi và hiệu quả cho team của mình! Phan Thùy Dung - TTPT Dịch vụ Phần mềm Cloud, FPT Smart Cloud
12 tháng 12, 2022
Nhóm tác giả FPT Smart Cloud tạo ra hệ thống xây dựng, quản trị tri thức và kết nối đến các ứng dụng AI để khai thác, sử dụng tri thức trong ứng dụng AI. Thông thường, các chatbot AI (chương trình tự động hóa nhắn tin ứng dụng trí tuệ nhân tạo), sau khi hiểu được ý hỏi của người dùng sẽ đưa ra câu trả lời theo một kịch bản định sẵn, theo những quy tắc cố định đặt trước. Việc này vừa tạo ra sự cứng nhắc ở bot, không đủ linh hoạt phản ứng trước những yêu cầu đa dạng trên thực tiễn, vừa làm công sức xây dựng bot lớn, vừa khó tái sử dụng kịch bản cho các bot khác do mỗi bot đều có những yêu cầu thực hiện khác nhau. [video width="1280" height="720" mp4="https://fptsmartcloud.com/wp-content/uploads/2022/12/videp-fpt.mp4"][/video] Nhóm tác giả FPT Smart Cloud gồm anh Phí Mạnh Kiên và Trịnh Tiến Quân đã tạo ra hệ thống xây dựng, quản trị tri thức và kết nối đến các ứng dụng AI để khai thác sử dụng tri thức trong ứng dụng AI. Hệ thống này cho phép các bot tìm kiếm câu trả lời từ một hệ tri thức thay vì thực hiện trả lời theo kịch bản dựng sẵn; hỗ trợ xây dựng, quản trị, và tích hợp hệ tri thức với các ứng dụng AI dễ dàng. Khác biệt hoàn toàn so với việc đưa ra câu trả lời của bot bằng kịch bản dựng sẵn, việc truy vấn câu trả lời từ hệ tri thức làm đơn giản hóa tối đa việc thiết kế và xây dựng bot, đồng thời cho phép bot có thể hiện sự thông minh, linh hoạt - hỏi gì đáp nấy như một bot "biết tuốt", đáp ứng đủ hơn các nhu cầu đa dạng của người dùng, tiến tới thực thi được các tác vụ phức tạp hơn như tư vấn - vốn quá đa dạng và cồng kềnh nếu thực hiện theo phương án kịch bản cứng. Hệ thống có thể tự sinh ra câu hỏi tự luận, để kiểm tra đánh giá trình độ kiến thức của người đối thoại (nhân viên sale, ứng viên tuyển dụng ...) dùng cho e-learning (học trực tuyến), phỏng vấn tuyển dụng trực tuyến, eKYC (định danh xác thực khách hàng điện tử); tự đọc tài liệu tự động và tự thu thập tri thức… Theo tác giả Phí Mạnh Kiên, trên thế giới hiện có nhiều tập đoàn lớn như Google, Meta, IBM, Huawei... đang sử dụng hệ tri thức cho các ứng dụng AI. Các tập đoàn này phát triển hệ tri thức trong thời gian dài, có ngân sách lớn, lực lượng chuyên gia giỏi và nguồn nhân sự tham gia lớn. Còn ở Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào xây dựng hệ tri thức như vậy. Bài toán khó nhất mà các anh cần giải quyết khi làm hệ tri thức cho ứng dụng AI nằm ở việc thu thập và tổ chức, biểu diễn tri thức sao cho thuận lợi trong quá trình truy xuất, tìm kiếm, suy diễn vì tri thức rất rộng lớn và phức tạp. Quá trình nghiên cứu và phát triển sau khoảng 6 tháng thì có kết quả ban đầu, sau 1 năm triển khai thành công cho dự án đầu tiên. "Hiện nay, các sản phẩm AI đang chủ yếu dựa trên học máy (học từ dữ liệu). Tuy nhiên trong các bài toán phức tạp chỉ dùng dữ liệu là không đủ, cần có thêm tri thức. Áp dụng hệ tri thức chính là hướng đi mới để nâng cao khả năng cho các ứng dụng AI", anh khẳng định. Hiện tại nhóm đã tích hợp chatbot của FPT AI, và một vài voicebot của FPT AI, với một vài hệ tri thức đã dựng sẵn như tri thức về thẻ tín dụng, tri thức về sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ. Sử dụng hệ tri thức ở một số voicebot mà FPT AI đang triển khai cho khách hàng, nhóm ghi nhận số lượng yêu cầu của khách hàng được đáp ứng ở các voicebot này tăng 30%, hiệu quả hoạt động của các voicebot được cải thiện. Theo kế hoạch, 100% voicebot và chatbot tiếp nhận các cuộc gọi đến của FPT AI sẽ sử dụng hệ tri thức. Dự định tiếp theo của nhóm là xây dựng các công cụ thể tự động trích xuất tri thức từ các tài liệu nghiệp vụ và tự làm giàu hệ tri thức đã được xây trước đó.
20 tháng 09, 2022
Trung tâm PaaS (FPT Smart Cloud) vừa cho ra mắt hàng loạt giải pháp dán nhãn ‘made by FPT’, đóng góp vào hệ sinh thái Cloud (Điện toán đám mây) của nhà F. Quý II/2022, đơn vị về đích một cách ngoạn mục khi hoàn thành 100% mục tiêu launching các sản phẩm lớn. Với chiến lược xây dựng Trung tâm PaaS ổn định, vận hành chuyên nghiệp, đơn vị đã cho ra đời các sản phẩm chất lượng, mang tính cạnh tranh cao, tạo ra sự khác biệt lớn với các sản phẩm Cloud nội địa. Trung tâm PaaS cũng là Tập thể triển khai OKR có chất lượng toàn Tập đoàn, được FPT vinh danh trong quý II/2022. 100% giải pháp launching thành công Trong chiến lược phát triển, FPT Smart Cloud luôn đặt mục tiêu cho các sản phẩm PaaS (Platform as a servicen - nền tảng dưới dạng dịch vụ) trở thành mũi nhọn, tạo ra điểm nhất nổi bật mang tính cạnh tranh. Chính vì thế, đòi hỏi Trung tâm PaaS luôn phải có những giải pháp mới, cập nhật và duy trì tính ổn định. Những thách thức trên khiến Trung tâm PaaS lúc nào cũng trong trạng thái làm việc hết công suất. Các bộ phận được giao đảm nhận trực tiếp các giải pháp và yêu cầu phải hoàn thành đúng hạn. Anh Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm PaaS, cho biết tính riêng quý II/2022, đơn vị đặc mục tiêu phải khởi chạy cùng lúc 3 giải pháp lớn, gồm: Managed FKE (on OpenStack); Container Registry và PaaS Metrics & Alert. Đây đều là dự án trọng điểm, ảnh hưởng trực tiếp việc hoàn thành hệ sinh thái các dịch vụ PaaS của FPT. Managed FKE (on OpenStack) đóng vai trò rất quan trọng trong hệ sinh thái Cloud, cung cấp cho khách hàng sự lựa chọn tối ưu hơn bên cạnh sản phẩm D-FKE đang có. Sản phẩm này được phát triển, sử dụng Kubernetes để chạy ứng dụng, đem lại rất nhiều lợi ích, đặc biệt là với các ứng dụng được phát triển theo mô hình mới hiện nay. [caption id="attachment_2058" align="alignnone" width="1200"] Trung tâm PaaS (FPT Smart Cloud) được vinh danh Tập thể triển khai OKR có chất lượng toàn FPT trong quý II/2022.[/caption] Hay như PaaS Metrics & Alert, các nền tảng cung cấp cloud hiện tại chưa có dịch vụ giám sát chuyên sâu trong hệ sinh thái. Dịch vụ PaaS Metrics & Alert đã giải được bài toán cung cấp dịch vụ giám sát chuyên sâu cho các dịch vụ PaaS trong hệ sinh thái Cloud của FPT Smart Cloud. Điểm vượt trội mang lại chính là việc nâng cao chất lượng cho khách hàng và sức cạnh tranh với các đối thủ cung cấp Cloud khác. Nỗ lực đưa sản phẩm đến tay khách hàng Theo anh Bùi Song Toàn, cán bộ phát triển dự án tại PaaS, mục tiêu “Xác định, quản trị, thúc đẩy việc hoàn thành hệ sinh thái các dịch vụ PaaS của FPT” là muôn vàn thách thức. Khối lượng công việc nhiều, đòi hỏi tính sáng tạo và cả sự chính xác trong từng chi tiết. Khi làm PaaS Metrics & Alert, toàn đội đã phải nghĩ cách làm sao tích hợp nhanh, gọn nhất trong hệ sinh thái. Dịch vụ cũng cần đảm bảo tích hợp các tiêu chuẩn chung của các platform FPT. Để làm được việc này, nhóm phát triển sản phẩm đã phải nhiều lần làm việc với các dịch vụ khác, nhiều đêm thức trắng để xây dựng tiêu chuẩn chung cho sản phẩm. Anh cũng khẳng định, khâu chuẩn bị, kế hoạch phải chỉn chu thì việc xây dựng sản phẩm mới nhanh, dễ nắm bắt và hạn chế những phát sinh. Để dự án nhận được cái “gật đầu” từ khách hàng, đội phát triển còn phải ngồi tích hợp và nhiều lần thử nghiệm dịch vụ. “Sản phẩm này tương đối mới và cập nhật nhiều công nghệ nên mình cần nhiều thời gian để giải thích cho khách hàng hiểu và thấy được lợi ích của sản phẩm này so với các sản phẩm khác cùng loại. Khoảnh khắc nhớ nhất là lúc khách hàng bỏ qua nhiều giải pháp khác và đồng ý chuyển từ giải pháp hiện tại đang dùng sang giải pháp “PaaS Metrics & Alert” của FPT, toàn đội như vỡ oà vậy”, anh nói. Với vai trò dẫn dắt dự án Managed FKE v1.0 (on Openstack), anh Phùng Bá Đạt khá lo lắng về “đứa con” của mình. Theo anh, toàn đội đã đối mặt với muôn vàn khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất đối với dự án là việc phát triển một sản phẩm quan trọng với rất nhiều tính năng đã được cung cấp bởi các Cloud lớn như AWS, Azure, GCP... Việc làm sao có những cải tiến, cạnh tranh với các giải pháp trên thị trường khiến cả đội gặp không ít áp lực. Tuy nhiên, trong lúc khó khăn nhất cũng là lúc anh và các cộng sự chọn cách bình tĩnh gỡ rối. “Nếu chưa có kiến trúc rõ ràng thì phải tìm hiểu và phải tìm hiểu ngoài giờ, tức làm việc với 200% công suất. Chúng tôi rất cẩn thận lựa chọn công nghệ sử dụng, kiến trúc dự án, vì mục tiêu là không chỉ tạo ra sản phẩm mà phải đưa sản phẩm về tay khách hàng”, anh Đạt cho hay. Cũng theo anh, sản phẩm launching thành công là nhờ tinh thần làm việc hết mình của toàn đội. OKR đã giúp team tập trung cho các mục tiêu cụ thể, làm động lực giúp team cố gắng vượt qua khó khăn để đạt được mục tiêu đề ra. Đánh giá về cách triển khai OKR đã giúp PaaS “leng keng”, anh Lê Thanh Hải cho rằng, đơn vị đã luôn chủ động trong việc bám sát OKR lập ra, thực tế thể hiện ở việc cập nhật các OKR bộ phận trong báo cáo giao ban hàng tuần. Ngoài ra, việc tổ chức các cuộc họp giao ban nội bộ để xem xét kết quả và nhắc nhở anh em về tiến độ OKR là mấu chốt quan trọng, thúc đẩy mọi người chú ý hơn trong công việc. Anh cũng nhấn mạnh về tinh thần đoàn kết, máu lửa và không ngại khó của toàn đơn vị. Quý II/2022, Trung tâm PaaS còn thành công trong việc 100% các sản phẩm được giám sát và đo lường chất lượng; Hoàn thiện hệ thống giám sát tập trung cho các dịch vụ. Ban lãnh đạo Trung tâm cũng nhìn nhận, điều thành công hơn nữa chính là những “kiến trúc” mà PaaS tạo dựng luôn có sự ổn định, bảo mật và vận hành chuyên nghiệp. Các sản phẩm đủ sức cạnh tranh, tạo niềm tin cũng như sự hài lòng của khách hàng cho các sản phẩm FPT.
09 tháng 04, 2022
Anh Nguyễn Bảo Trung, hiện đang là leader của team Vision - xây dựng giải pháp nhận dạng và trích xuất thông tin trên các loại giấy tờ của công ty FPT Smart Cloud. [caption id="attachment_2029" align="aligncenter" width="960"] Anh Trần Bảo Trung - leader Team Vision[/caption] Niềm đam mê công nghệ nhen nhóm từ khi còn là cậu bé Từ sự hiếu kì với máy tính và niềm yêu thích các trò chơi điện tử từ khi còn nhỏ, anh Nguyễn Bảo Trung đã nuôi dưỡng ước mơ trở thành sinh viên trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Và năm 18 tuổi, anh Nguyễn Bảo Trung đã thi đỗ khoa Cơ điện tử của Đại học Bách Khoa với số điểm cao. Tuy nhiên, trong quá trình học tập, anh dần nhận ra mình không thực sự mặn mà với ngành cơ khí. Anh bắt đầu học thêm về lập trình và tìm thấy niềm yêu thích với nghề. Ra trường, công vịệc chính thức đầu tiên của anh Nguyễn Bảo Trung là kĩ sư lập trình của Samsung Bắc Ninh. Sau nửa năm gắn bó, được làm nhiều công việc thực tế của một lập trình viên, cảm thấy bản thân cần phải trau dồi thêm nhiều kiến thức về ngành, anh Nguyễn Bảo Trung quyết định lên đường đi du học Đức. Sau 4 năm tu nghiệp ở nước ngoài, anh Nguyễn Bảo Trung trở về Việt Nam. Tháng 6 năm 2018, anh chính thức đầu quân vào Ban công nghệ tập đoàn FPT và làm việc tại team Vision. Anh Trung chia sẻ: "Ngày đầu tiên anh đi làm cũng là ngày ra mắt team Vision." Có thể nói, anh Nguyễn Bảo Trung là một trong những nhân vật nòng cốt của team Vision, đồng hành cùng team xây dựng bộ giải pháp nhận diện và trích xuất thông tin trên các loại giấy tờ từ con số 0 đến khi đạt được những thành tựu đáng nể như hiện nay. Chỉ với niềm vui ngày thơ bé là được chơi đùa với máy tính và sau này là được làm việc với máy tính, anh Nguyễn Bảo Trung đã kiên trì với niềm đam mê của mình, trở thành một lập trình viên xuất sắc. Năm 2020, khi tuổi đời và tuổi nghề còn rất trẻ, anh Nguyễn Bảo Trung được vinh danh là cán bộ công nghệ cấp 3 của tập đoàn FPT. Hành trình vượt sóng gió cùng team Vision Anh Nguyễn Bảo Trung gia nhập team Vision từ ngày đầu tiên thành lập. Do đó, hơn ai hết, anh Trung thấu hiểu những khó khăn team phải trải qua. Từ không định hình được đường hướng xây dựng sản phẩm sao cho tối ưu nhất, anh Trung cùng đồng đội phải tự mày mò các nghiên cứu khoa học, các công nghệ hàng đầu thế giới để rồi từng bước xây dựng lên giải pháp FPT.AI Vision hoàn chỉnh. Những loại giấy tờ cơ bản nhất như CMND/CCCD, Giấy phép lái xe, Bằng lái xe, Hộ chiếu... được hệ thống của FPT.AI nhận diện và cho độ chính xác lên đến 98%, cao nhất trên thị trường Việt Nam. [caption id="attachment_1975" align="aligncenter" width="960"] Anh Trung (ngoài cùng bên phải) cùng đồng nghiệp. Ảnh 2018.[/caption] Hiện nay, team Vision đã phát triển và mở rộng thêm platform FPT.AI Reader (https://reader.fpt.ai/) - Ứng dụng cho phép trích xuất hàng chục loại giấy tờ khác nhau. Đặc biệt, người dùng có thể tự "Train" mô hình cho các loại giấy tờ theo mẫu, tuỳ chỉnh và gắn biến theo nhu cầu sử dụng. Đối với anh Nguyễn Bảo Trung, niềm vui và động lực thúc đẩy anh gắn bó với công việc tại FCI đó chính là những sản phẩm team làm ra được các khách hàng lớn tin tưởng lựa chọn và hợp tác, được người dùng đón nhận tích cực. Anh Trung định hướng: "Phát triển sản phẩm phải hướng đến nhu cầu của người dùng, phải giải quyết được những bài toán bức bối thực tế của doanh nghiệp, như vậy công việc của mình mới có ý nghĩa." Giữ cương vị team leader, tuy nhiên anh Trung cũng chia sẻ: "Thời gian đầu, thực lòng anh gặp khó khăn rất nhiều trong việc quản lí các thành viên, làm thế nào để thúc đẩy và gắn kết anh em? Tất cả những điều đó tưởng đơn giản nhưng anh đều phải học, từ từ điều chỉnh bản thân, từ từ thay đổi cho hợp lí với tình hình thực tế. Hiện tại thì cũng tạm ổn. Anh muốn phát triển team mạnh hơn, họp và tổ chức các seminar chia sẻ kĩ năng nội bộ cho anh em đều đặn hơn, để mọi người luôn trau dồi kiến thức và phát huy bản thân tốt nhất có thể." Cân bằng công việc và gia đình Tháng 4/2021 vừa qua, anh Nguyễn Bảo Trung đã chính thức gia nhập đội ngũ những người đàn ông có gia đình của FCI. Bí mật nho nhỏ là anh Trung gặp vợ lần đầu trong dịp "Trải nghiệm 72h" dành cho nhân viên mới chính thức của tập đoàn FPT. Quả đúng là một trải nghiệm 72 tuyệt vời đáng nhớ. Về cuộc sống sau khi lập gia đình, anh Trung chia sẻ: "Sau khi lấy vợ không có nhiều thời gian dành riêng cho bản thân, cũng thêm áp lực và trách nhiệm, nhưng niềm vui cũng tăng lên rất nhiều." Đặc biệt, sau khi lấy vợ, anh Trung luôn cố gắng tập trung cao độ trên công ty để hoàn thành công việc, hạn chế tối đa mang việc về nhà như thời còn độc thân, bởi buổi tối là thời gian anh muốn dành trọn cho gia đình. Sau 3 năm gắn bó với gia đình FCI, anh Nguyễn Bảo Trung vẫn luôn cảm thấy hứng khởi với công việc. Mỗi ngày đều là những ngày mới mẻ mà anh phải tìm tòi, phải trau dồi và "nâng cấp" bản thân. Anh Trung tin rằng: "Động lực làm việc là vì cái mình đam mê, mỗi ngày được làm những điều mình thích thì sẽ không bao giờ cảm thấy nhàm chán, nên anh sẽ cố gắng làm ra những sản phẩm công nghệ có sức lan toả đến mọi người, thực sự hữu dụng với người dùng."
09 tháng 09, 2022
"Einstein nhà F" không bao giờ cho phép hài lòng với thành tựu cũ mà luôn sống hết mình với hiện tại và luôn sẵn sàng đưa ra những thách thức mới. FPT. AI là sản phẩm tiên phong trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, khoảng cách với các đối thủ đang có nguy cơ ngày càng hẹp. Anh Trần Thế Trung - Giám đốc khoa học FPT Smart Cloud đặt OKR quý III mở rộng lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm hiện nay để đảm bảo vị trí dẫn đầu. Vượt qua những khó khăn do thiếu nguồn lực, giao tiếp bị ảnh hưởng do dịch, anh vẫn đưa kết quả "về xanh" ở mức 83%, trở thành một trong 13 cá nhân OKR xuất sắc tập đoàn trong quý. 1. HẾT MÌNH VỚI ĐAM MÊ NGHIÊN CỨU Đạt nhiều thành tựu nổi bật như là người Việt Nam thứ hai đạt huy chương Vàng Olympic Vật lý quốc tế, tốt nghiệp cử nhân ngành toán lý tại ĐH Melbourne - Úc, nhận bằng Thạc sĩ khoa học Vật lý thiên văn tại Đại học Paris 6, bằng Tiến sĩ Vật lý thiên văn tại Đại học Versailles (Pháp)…, anh Trần Thế Trung chọn về nước rồi đầu quân cho FPT năm 2008, làm Viện trưởng Viện Công nghệ từ 2010, Giám đốc khoa học của FPT Smart Cloud (FCI) từ 2020. Nghiên cứu khoa học là đam mê của Trần Thế Trung. Và FPT cho anh môi trường để làm việc đó. Với anh, chất xám được sử dụng hiệu quả nhất khi đem lại giá trị trực tiếp cho các lĩnh vực cụ thể. Tại FPT, công việc của anh tập trung vào nghiên cứu phát triển công nghệ, chủ yếu liên quan đến khoa học máy tính, xử lý dữ liệu, học máy, trí tuệ nhân tạo… Là người đăng ký thành công những Bằng sáng chế đầu tiên của Tập đoàn, anh được nhiều đồng nghiệp gọi là "Einstein của FPT". Hiện tại, Viện trưởng Viện Công nghệ tiếp tục đưa những nghiên cứu ấy vào sản phẩm của FCI. "Trước những thách thức từ thị trường, khách hàng nào cũng đem lại những bài toán thú vị, có ý nghĩa cho việc phát triển công nghệ, phát triển sản phẩm. Khách hàng như người thầy của mình. Tại FCI, chúng tôi có cơ hội "gần thầy" hơn so với trước đây, khi chỉ tập trung nghiên cứu", anh nói. Cựu du học sinh thừa nhận tư duy phản biện kiểu Úc và văn hóa dân chủ, tự do kiểu Pháp đã ảnh hưởng đến phong cách làm việc của mình. Có thể cũng chính vì thế mà FPT phù hợp với anh. "FPT là một môi trường dễ chịu đối với tôi: thoải mái, có không gian để sáng tạo, hoạt động phù hợp với năng lực và lựa chọn của mình. Tất nhiên trách nhiệm đi kèm áp lực, nhưng những áp lực ấy phù hợp với mong muốn và lựa chọn, nằm trong tầm kiểm soát của tôi". Bên cạnh công việc nghiên cứu tại FPT, anh Trung còn là admin của Wikipedia tiếng Việt, tham gia đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam. Tuy không còn là giảng viên Đại học FPT, anh vẫn tham gia một số sự kiện chia sẻ kiến thức cho cán bộ công nghệ Tập đoàn. 2. HẠNH PHÚC VỚI NHỮNG ĐIỀU TỬ TẾ BÌNH DỊ Vài năm nay, Trần Thế Trung còn có một "nghề tay trái": lái xe chở khách miễn phí. Dán decal lên ô tô cá nhân với dòng chữ "Mời bạn đi xe miễn phí" kèm lộ trình cụ thể tương ứng với quãng đường đi làm từ nhà riêng tới văn phòng của mình, ngày ngày Giám đốc khoa học FCI lại ghé vào các trạm dừng chờ xe buýt để "bắt" khách. Ý tưởng này đến một cách ngẫu hứng với anh vào năm 2018, khi đi qua các trạm xe buýt, thấy cảnh mọi người mệt mỏi đứng chờ. Anh thấy vui vì mình đã mang lại niềm vui cho người khác, trong khi chỉ mất thêm vài phút cho việc "đón trả" khách mỗi ngày. "Dự án vẫn chạy tốt cho đến trước dịch Covid. Tôi có nhiều người đi cùng và nhiều câu chuyện thú vị trên đường đi. Mọi thứ rất tuyệt vời. Tôi hy vọng đến giai đoạn bình thường xanh, 'khách' có thể 'quẹt thẻ xanh' để tiếp tục lên xe". Tuy biết mô hình này khó lan tỏa ở nội thành Hà Nội, anh vẫn hy vọng "hạt giống" đẹp một ngày sẽ sinh sôi nảy nở. Nhà khoa học sinh năm 1978 chia sẻ lối sống theo phương pháp nghiêng về "thiền" của đạo Phật: an trú trong hiện tại. "Mọi thứ diễn ra trong quá khứ hay tương lai đều có lý do, duyên số. Quan trọng nhất là cảm thấy hạnh phúc với hiện tại". Anh cũng nhận ra hạnh phúc có được từ việc cảm thấy mình là người có ích và mong muốn ngày càng trở nên có ích hơn nữa với cộng đồng. 3. HÃY CỨ KHÁT KHAO, HÃY CỨ DẠI KHỜ Trong lịch sử phát triển của FPT Smart Cloud - tiền thân là Ban Công nghệ FPT, những sản phẩm FPT. AI xuất hiện sớm trên thị trường. Tuy nhiên, khoảng cách với các đối thủ có nguy cơ ngày càng hẹp dần do việc sao chép công nghệ có thể xảy ra, cũng như sự tham gia của các đối thủ quốc tế. Đó là lý do FCI luôn đặt mục tiêu đảm bảo vị trí dẫn đầu, bằng việc liên tiếp phát triển những tính năng mới, sản phẩm mới để đi nhanh, đi xa hơn đối thủ. "Đây là việc sống còn của công ty công ty trí tuệ nhân tạo", anh Trần Thế Trung nói. Mục tiêu duy trì vị thế trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của FPT Smart Cloud được thống nhất trong ban lãnh đạo nhằm đảm bảo được sự tăng trưởng cam kết với Tập đoàn: tăng trưởng mỗi năm 3 lần, mảng trí tuệ nhân tạo tăng trưởng tương đương thậm chí nhiều hơn. Quý III, anh Trung đặt OKR mở rộng lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm hiện nay để đảm bảo vị trí dẫn đầu. Việc triển khai gặp khó khăn khi vừa phải cung cấp sản phẩm đáp ứng nhu cầu lớn trên thị trường, vừa có được sức cạnh tranh, lại phải chạy song song phát triển tính năng mới. Nguồn lực dành cho phát triển bị thiếu hụt một phần do ưu tiên bổ sung đội triển khai sản phẩm, trong bối cảnh có quá nhiều đơn hàng do sản phẩm đang rất thành công trên thị trường - điều anh Trung gọi là một "vấn đề dễ chịu". [caption id="attachment_1979" align="alignnone" width="1024"] Trần Thế Trung là một trong 13 cá nhân OKR xuất sắc toàn Tập đoàn quý III[/caption] Cạnh đó, việc làm từ xa do Covid ảnh hưởng một phần đến phối hợp giữa các nhóm, giao tiếp với khách hàng, ký kết hợp đồng… Liên tục thử nghiệm mô hình mới, đánh giá và thay đổi ngay khi không phù hợp là bí quyết của anh Trung. Bên cạnh việc hiểu sâu sắc các đặc tính sản phẩm của đối thủ, có sự phòng bị và đưa ra tính năng nâng cấp phù hợp, nhạy bén với diễn biến nhanh chóng của sự phát triển công nghệ là điều cần thiết. "Cái khó của OKR là nhiều khi thách thức nằm ngoài giới hạn mình hình dung. Nhưng khi đặt rồi, phải cố sáng tạo, xoay sở để tìm ra được phương án thực hiện", anh nói. Với anh, OKR giúp hỗ trợ kiểm soát việc thực hiện mục tiêu. "Có thể không đặt OKR vẫn đạt được một số mong muốn, nhưng không có lộ trình, kiểm soát". Anh đánh giá cao ở phương pháp OKR ở chỗ có sự tham gia của nhiều bên, với những hoạt động định kỳ, review OKR giúp kiểm soát được tiến độ. "OKR là mơ mộng nhưng cũng có một độ kiểm soát nhất định. Thực ra cũng có rất nhiều lần không 'qua' nhưng đạt được khoảng 70-80% là thành công rồi". Tại FCI, vị Giám đốc khoa học thừa nhận triển khai OKR không hề dễ dàng. Tuy nhiên, đơn vị đang cố gắng đưa OKR vào hoạt động theo dõi định kỳ nhiều hơn. "Dần dần, nhiều bộ phận đang làm tốt hơn. Màu xanh hiện lên nhiều hơn trận khi theo dõi, kiểm soát chặt chẽ hơn". Theo anh, OKR nên trở thành thói quen, tạo thành một nghiệp vụ bình thường của mình, và tốt hơn nếu trở thành một phần công việc quan trọng. Thời gian tới, còn nhiều thách thức chờ đợi, mục tiêu của anh là tiếp tục ra những sản phẩm mới, phát triển những tính năng mới vượt trội, cải thiện năng suất lao động đội ngũ. "Có những sản phẩm của mình mới ra năm ngoái thôi nhưng đã có đối thủ rồi. Bây giờ, sức ép cạnh tranh lớn khiến mình phải chạy tiếp cuộc đua". Theo Trần Thế Trung, AI trong những năm tới của FPT sẽ bắt đầu đi sâu vào từng nghiệp vụ, từng lĩnh vực cụ thể chứ không mang tính nền tảng chung nữa. Đó cũng là lúc sản phẩm AI có sức cạnh tranh cao hơn. Là người ưa thách thức, anh thấy hạnh phúc khi được giải quyết những vấn đề khó, mới và có ý nghĩa cho cộng đồng. Bên cạnh đó, ưa thách thức cũng đồng nghĩa dễ dàng chấp nhận ổn định với công việc nhàm chán. Trung tâm niệm, không có thách thức thì làm việc không làm hiệu quả. "Steve Job nói 'Stay Hungry. Stay Foolish - Hãy cứ khát khao. Hãy cứ dại khờ'. Tôi cũng quan niệm luôn luôn 'hungry', có phần ngây thơ mơ mộng một chút". Điều đó giúp anh luôn giữ nhiệt huyết với khoa học, với những nỗ lực cải tiến mang lại lợi ích cho cộng đồng.
09 tháng 09, 2022
Thành thạo 4 ngôn ngữ, từng là du học sinh Trung Quốc chuyên ngành Bác sĩ, ít ai biết rằng Inggrid Neva Wangke (người Indonesia) từng nghĩ sẽ không bao giờ quay trở lại “cuộc sống văn phòng” bởi những trải nghiệm không tốt trong quá khứ: quy trình làm việc cứng nhắc, cùng sự rắc rối giữa các cấp quản lý,...  [caption id="attachment_1967" align="aligncenter" width="1024"] Inggrid Neva Wangke - nhân viên team AI[/caption] Hiện tại, cô đã gia nhập FPT Smart Cloud và đảm nhận vị trí Business Analyst Virtual Assistant in Indonesian. Công việc liên quan đến Trí tuệ nhân tạo là một lĩnh vực không mới nhưng vô cùng “khó nhằn”, Inggrid chia sẻ: “Thế mạnh duy nhất của mình lúc bấy giờ là ngôn ngữ và sự hiểu biết sâu sắc về tiếng Indo, nhưng các bạn đồng nghiệp vô cùng rất thân thiên. Vì chưa có kinh nghiệm trong mảng AI, nên nhiều việc mình vẫn cần mọi người hỗ trợ, và điều mình nhận được luôn là sự niềm nở, tỉ mỉ cùng thái độ hòa nhã, nghiêm túc. Mọi người giúp đỡ rất tận tình và chi tiết khiến mình cảm thấy tự tin và cũng muốn gắn bó với công việc hơn! Làm việc hơn một tháng mà mình tăng hẳn 3 cân! Ấn tượng mạnh mẽ nhất có lẽ là hôm đầu tiên được anh Trần Thế Trung dẫn đi khám phá văn phòng, mình đã wow rất nhiều khi thấy cách bố trí không gian mở, nhiều không gian tương tác trong khu làm việc, khu vực pantry rộng và thậm chí có cả nơi để mọi người chơi game, thư giãn khi làm việc. Môi trường làm việc thoải mái, luôn khích lệ sự sáng tạo, tôn trọng cá tính của mỗi cá nhân và đặc biệt là không bị bó buộc về trang phục. Đó là lúc suy nghĩ về công việc văn phòng trong mình thay đổi hoàn toàn, những khúc mắc bấy lâu nay cũng được giải quyết và cũng là giây phút mình nghĩ sẽ gắn bó với FPT Smart Cloud lâu hơn”. Inggrid cười! #HOF #FCI #FPTSmartCloud Đừng quên like và follow kênh Linkedin nhé các FCI-ers:  FPT Smart Cloud: https://bit.ly/3sJEQuo FPT Cloud: https://bit.ly/3lypswA FPT.AI: https://bit.ly/3a6A2Zn
09 tháng 08, 2021
Với niềm đam mê công nghệ cùng sự tâm huyết với ngành Công nghệ thông tin, Vlad Golubev - chàng kỹ sư công nghệ đã có rất nhiều đóng góp cho sự phát triển của FPT Smart Cloud. Năm 2020, Vlad Golubev là một trong hai FCIers được vinh danh là Cán bộ công nghệ cấp Tập đoàn - thuộc lực lượng tinh hoa của nhà F. Tình yêu công nghệ cùng với đam mê trải nghiệm thế giới là một trong những điều khiến Vlad luôn tràn đầy năng lượng mỗi ngày. Năm 2015, người con của xứ sở Bạch Dương đã quyết định đến Việt Nam để bắt đầu một hành trình mới đầy thú vị. Khi được hỏi về ấn tượng đầu tiên của mình về mảnh đất hình chữ S, Vlad nhớ ngay tới sự chào đón nồng nhiệt mà người Việt Nam dành cho anh. Trong 6 năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam, Vlad đã đi thăm rất nhiều địa điểm nổi tiếng của Việt Nam. Trong đó, nhịp sống cũng như môi trường ở Thành phố Hồ Chí Minh đã để lại nơi anh một ấn tượng mạnh mẽ, khó phai.​​​​​​​ Tốt nghiệp với tấm bằng chuyên ngành Kĩ sư lập trình và phần mềm hệ thống quản lí tự động, nhưng Vlad Golubev lại tìm thấy niềm đam mê đối với Khoa học Dữ liệu (Data Science). Trước khi gia nhập FPT, Vlad đã có quãng thời gian làm việc tại Cốc Cốc ở vị trí Kỹ sư Phần mềm. Ít ai biết rằng, Vlad từng "lỡ duyên" với FPT một lần khi từ chối lời mời làm việc. Nhưng chỉ một thời gian sau, những câu chuyện về con người FPT và môi trường làm việc tại FPT đã khiến anh quyết định đầu quân về Ban công nghệ - Viện nghiện cứu công nghệ trực thuộc tập đoàn FPT. Hiện tại, anh đang làm nhiều hoạt động nghiên cứu, xây dựng và tối ưu mảng Xử lý ngôn ngữ tự nhiên (Natural Language Processing) cho các sản phẩm của nền tảng Trí tuệ nhân tạo toàn diện FPT.AI. Trong suốt quá trình làm việc tại FCI, Vlad đã chứng minh năng lực bản thân với nhiều dự án thành công. Khi được hỏi về một dự án mà anh tự hào nhất, anh chia sẻ rằng: “Tôi đơn giản chỉ luôn cố gắng làm hết sức trong công việc của mình, bởi vậy dự án nào cũng quan trọng đối với tôi." [caption id="attachment_1944" align="aligncenter" width="960"] Vlad Golubev tham dự Lễ Vinh danh Cán bộ công nghệ cấp Tập đoàn năm 2020[/caption] Vlad Golubev là "gương mặt thân quen" của nhiều cuộc thi về công nghệ với quy mô quốc tế, anh đã đạt nhiều thành tích đáng ngưỡng mộ. Trên website Kaggle, Vlad hiện đang đứng thứ #38 trong mục Competitions Grandmaster và nhiều thứ hạng cao khác. Bộ sưu tập của Vlad đã lên tới 6 Huy chương Vàng, 9 Huy chương Bạc và 9 Huy chương Đồng từ các cuộc thi lập trình. Gần đây nhất, Vlad cùng các đồng đội đã giành được tấm huy chương Vàng quý giá trong cuộc thi VinBigData Chest X-ray Abnormalities Detection. Đặc biệt, trong năm 2020, Vlad đã được vinh danh là Cán bộ Công nghệ cấp 3 của Tập đoàn FPT, minh chứng cho những nỗ lực, cống hiến không ngừng nghỉ của anh. Một điều thú vị là: Mặc dù đã sống khá lâu tại Việt Nam, nhưng Vlad chưa một lần thành công trong việc học tiếng Việt. Chia sẻ về định hướng tương lai, Vlad nói rằng mình chưa có ý định quay trở lại Nga trong thời gian tới. Anh sẽ bắt đầu học lại tiếng Việt, mặc dù đối với anh cách phát âm các từ trong tiếng Việt vô cùng khó! Mục tiêu của Vlad trong năm nay là có thể nghe nói thành thạo như một người Việt Nam "chính hiệu", giao tiếp một cách thoải máitrôi chảy bằng tiếng Việt với những đồng nghiệp xung quanh mình. Hy vọng rằng bài viết này đã giúp bạn hiểu thêm về một thành viên đặc biệt của FCI. Đừng quên dành thật nhiều lời động viên, khuyến khích anh chàng này học tiếng Việt nhé!

Đăng ký theo dõi ngay!

Đừng bỏ lỡ các thông tin mới nhất về các sản phẩm và dịch vụ của chúng tôi!
Đăng ký ngay